Ngày 25/7, bác sĩ Trương Văn Hữu - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Quốc (Kiên Giang) khẳng định đơn vị này đã thực hiện đúng quy trình chuyên môn khi tiếp nhận sản phụ Dương Thùy L., còn cháu bé sơ sinh con chị L. qua đời sau khi sinh là tai biến sản khoa bất khả kháng.
Vẫn chưa hết đau xót, bàng hoàng sau cái chết của con trai, anh Huỳnh Văn T. (42 tuổi), chồng sản phụ Dương Thùy L. (36 tuổi) kể lại: khoảng 6h15 ngày 16/7, anh T. đưa vợ tới Bệnh viện đa khoa Phú Quốc để sinh con.
Khi vào viện, vợ anh được hướng dẫn đưa đi siêu âm, nhưng các nhân viên y tế bảo vợ chồng anh chờ họ ăn sáng xong mới làm việc. Khoảng gần 1 giờ đồng hồ sau đó, các nhân viên y tế trở vào thì phát hiện vợ anh T. đã vỡ ối, còn cháu bé đã sắp lọt ra ngoài. Lúc này, phía bệnh viện xác định đã quá muộn nên cho chị L. sinh thường.
Trong quá trình sinh, phát hiện cháu bé có nguy cơ suy hô hấp do dây rốn quấn 3 vòng quanh cổ, ê kíp sinh đã quyết định chuyển sang mổ cấp cứu. Sau khi mổ xong, thấy con yếu, anh T. đề nghị cho chuyển vợ con lên bệnh viện tỉnh nhưng phía bệnh viện từ chối. Đến khi thấy cháu bé nguy kịch, nơi này cho chuyển viện nhưng vừa ra đến bến tàu cháu bé đã tử vong.
Anh T. cho biết thêm trong quá trình mang thai, vợ anh có đến nhà thuốc kiêm phòng mạch treo bảng hiệu “bác sĩ Tấn” ở khu phố IV, thị trấn Dương Đông để siêu âm 4 lần. Cả 4 lần, nơi này đều khẳng định thai nhi “khỏe mạnh bình thường”.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Trương Văn Hữu khẳng định, không có chuyện y tá yêu cầu sản phụ chờ ăn sáng xong rồi mới siêu âm.
Người ra ngoài ăn sáng chỉ là y công, còn các y tá, bác sĩ vẫn ở lại theo dõi tình trạng sức khỏe của sản phụ L.
Theo bác sĩ Hữu, ê kíp trực sinh cho sản phụ L. đã báo cáo lại toàn bộ sự việc với ban giám đốc. Cụ thể, sản phụ Dương Thuỳ L. vào viện trong tình trạng cổ tử cung nở rộng, vỡ ối, phần mông của cháu bé đã thò ra ngoài do ngôi thai ngược.
Lúc này không còn đủ thời gian để siêu âm trước khi sinh nữa. Các xét nghiệm sinh hóa, thử máu… đều tiến hành tại giường sinh.
Theo hồ sơ bệnh án, chị L. được các bác sĩ thăm khám chẩn đoán như sau: con lần 4, thai 38 tuần, ngôi mông (thai ngược), xét nghiệm huyết học, sinh hóa, nước tiểu…
Từ lúc chị L. vào viện đến lúc tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho cháu bé là 50 phút. Trong lúc sinh, phát hiện tai biến dây rốn quấn cổ khiến thai nhi suy hô hấp nên kíp sinh đã tiến hành phẫu thuật khẩn cấp để cứu cháu bé và sản phụ. Ê kíp sinh đã thực hiện đúng quy trình chuyên môn.
Còn chuyện từ chối không cho chuyển viện là do sau khi phẫu thuật phải tiến hành đồng thời cả quy trình hồi sức sản và hồi sức nhi sơ sinh. Hơn nữa, thời điểm sau khi tiến hành ca mổ xong cũng không có tàu vào đất liền vì đã quá giờ chuyến tàu cuối cùng xuất bến.
Bác sĩ Hữu cũng khẳng định Bệnh viện đa khoa Phú Quốc không được biết kết quả siêu âm của “bác sĩ Tấn” và “bác sĩ Tấn” này cũng không công tác tại bệnh viện.
“Hiện tại phía gia đình sản phụ chưa có đơn khiếu nại tới lãnh đạo bệnh viện Phú Quốc nên chúng tôi chưa xem xét. Trường hợp có đơn khiếu nại thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và giải quyết theo quy định của ngành y tế”, bác sĩ Hữu nói.
Bác sĩ Hà Văn Phúc - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, nhận định, nếu đúng như nội dung mà giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Quốc đã trình bày thì việc tiến hành mổ cấp cứu trong quá trình sinh thường ở đây là đúng chuyên môn.
Tác giả: Minh Khánh
-
Chia tay, chồng đòi lại quà cưới, tưới nước sôi lên người vợ
-
Hàng trăm người chen lấn, giẫm đạp lên nhau vì hàng giảm giá 85%
-
Bị đồng nghiệp bày mưu cư.ớp người yêu, cô gái này đã đáp trả một cách “không thể cứng hơn”
-
Điểm tin mới 29/7: Ghen tuông, thầy giáo đâm vợ trọng thương
-
Không dám nhận đã có bạn gái với người mẹ làm mối, chàng trai nhận về cái kết đắng chát....