Bí mật về kho 'gia tài' để lại của NSƯT Phạm Bằng trước khi qua đời

( PHUNUTODAY ) - NSƯT Phạm Bằng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31/10, hưởng dương 85 tuổi. Thế nhưng, kho "gia tài" để lại của ông thực sự khiến nhiều người không khỏi xót xa, ngưỡng mộ.

NSƯT Phạm Bằng là một trong số những nghệ sỹ gạo cội được ngưỡng mộ và yêu mến qua nhiều vai diễn hài hước, đáng nhớ. Mặc dù sinh năm 1931, đã 85 tuổi nhưng ông vẫn rất tráng kiện, da dẻ hồng sáng và chất giọng của một diễn viên kịch lão luyện vẫn sang sảng, trầm ấm hấp dẫn người nghe.

85 là độ tuổi mà với nhiều người đã có thể nghỉ ngơi để tĩnh dưỡng, an nhàn hưởng cuộc sống bình yên bên con cháu. Thế nhưng, với nghệ sỹ Phạm Bằng lại khác. Ông từng kể, khi về già, ông có nhiều sự hụt hẫng, nhất là từ thời điểm nghỉ hưu ở Đoàn kịch nói Trung ương nên phải lấy việc diễn để khỏa lấp những nỗi buồn.

NSƯT Phạm Bằng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31/10, hưởng dương 85 tuổi.

Ít ai biết rằng, Phạm Bằng đi diễn nhiều, một năm tham gia cả chục phim truyền hình lẫn tiểu phẩm, băng đĩa hài Tết là bởi ông muốn vơi đi nỗi nhớ người vợ quá cố. Tính đến nay, bà xã của ông ra đi cũng được gần 15 năm. 15 năm đó, người nghệ sỹ già sống trong cô quạnh và vẫn đau đáu những nỗi niềm về người vợ đã gắn bó hơn 50 năm.

Tham gia diễn xuất khá nhiều nhưng vai diễn đánh dấu niềm đam mê của Phạm Bằng đối với sân khấu kịch là vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo “Đêm tháng 7” (đạo diễn Dương Linh). Chàng trai trẻ Phạm Bằng một thời nhận ra rằng, đóng kịch không chỉ để kiếm vài đồng tiền về phụ giúp mẹ nữa, mà nó đã bắt đầu ngấm vào ông như một sự đam mê, thích thú. Sau những vai diễn ông lại tìm ra được sở trường, sở đoản riêng và ông đã có sự cam kết với chính bản thân mình: sẽ diễn ngày một tốt hơn để được giao những vai diễn ghi dấu ấn vào lòng khán giả.

Sau 10 năm ở đoàn kịch Hà Nội, Phạm Bằng chuyển sang Đoàn kịch nói Trung ương, nơi mà mảnh đất rộng hơn cho diễn xuất của ông được khả dụng. Hai vai diễn đã mang lại cho ông hai huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc là vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong “Mớ đời Thương” (của Tất Đạt). Đây là hai vai diễn hoàn toàn trái ngược nhau, một vai phản diện, một vai bi hài, nhưng Phạm Bằng đã vào vai tốt đến nỗi không ai có thể thay thế được.

NSƯT Phạm Bằng sút 8 kg trong vòng 4 tháng

Sau này, khi truyền hình phát triển, cái tên Phạm Bằng được đông đảo khán giả biết đến. Sự cương nghị, tính nghiêm ngắn, ít cười đùa với ông tưởng rằng sẽ rất hợp với những vai chính diện, nhưng ngược lại, số phận đã đặt ông ở vai trò một diễn viên hài thành công ngoài mong đợi. Chẳng cần nói nhiều, mỗi khi Phạm Bằng xuất hiện với dáng vẻ khổ sở, yếu đuối, nhưng khuôn mặt tưng tửng và ngoại hình nhỏ thó cùng cái đầu hói đã khiến người xem phải bật cười.

Bên cạnh đó, Phạm Bằng lại luôn được vào vai “Sếp”, về nhà thì sợ vợ, ở cơ quan thì sợ các cô thư ký “mặt hoa da phấn” trong trò chơi “ăn vụng” của mình. Với lối diễn hài tưng tửng, tỉnh queo, ông đã định hình được một phong cách hài rất riêng mang thương hiệu Bằng "hói". Mà kỳ lạ nhất là ngay cả việc “hói” cũng như là định mệnh xui khiến, bởi vì “hói” này là một thứ gen di truyền của dòng họ. Ông dù đã là thế hệ thứ tư nhưng đã bắt đầu hói từ ngày còn trẻ, một sự an bài của số phận giúp ông thêm đắt “sô” diễn hài. Nó trở thành một biểu tượng riêng của bản thân ông.

Cùng với sự nghiệp diễn xuất, Phạm Bằng còn từng nổi tiếng với vai trò ông chủ quán bánh trôi - nơi giúp ông có thể theo đuổi được niềm đam mê nghệ thuật trong những năm tháng khó khăn nhất.

Tác giả: Phạm Kim Dung