Cũng như việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục, dậy sớm... những thói quen tốt thường khó hình thành do sức ì quán tính của thói quen cũ, nhưng một khi đã thành nề nếp sinh hoạt thường ngày, chúng sẽ có sức mạnh giúp chủ nhân thực hiện mọi thứ một cách dễ dàng, thoải mái. Bởi vậy, điều cha mẹ cần làm là xây dựng thói quen học tập tốt cho con càng sớm càng tốt, đây cũng là một trong số những bí quyết đơn giản giúp con bạn luôn học tốt mà lại vẫn "nhàn".
1. Tạo góc học tập hợp lý cho con
"Có một góc học tập được thiết kế phù hợp là điều tuyệt vời", Kelsey Flynn, một giáo viên lớp 4 và 5 tại Ohio, Mỹ chia sẻ. Hãy đảm bảo nơi đó chứa đầy đủ các vật dụng con cần: bút, thước, keo dính, giấy nháp... Bạn cũng cần sắm cho con chiếc đèn học tốt và bộ bàn ghế hợp lý.
Bố mẹ cũng nên để con tự tạo góc học tập theo ý thích của riêng bé. Nếu con chưa biết cách sắp xếp góc học tập cho ngăn nắp, cha mẹ hãy định hướng và dành lơi khuyên cho con.
2. Cho con tham gia các lớp ngoại khóa
Việc luyện tập bóng đá hay các bài học đàn violon có thể giúp con bạn đạt điểm cao hơn trên lớp. Việc chơi thể thao, học nhạc cụ hay đọc sách chủ động... thường giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội và rèn luyện sức khỏe, giảm stress.
3. Hướng dẫn con lập kế hoạch học tập
Thói quen này mẹ nên hướng dẫn con ngay từ khi bước vào tiểu học. Mẹ hãy tạo cho con thời gian biểu làm bài tập ở nhà. Đặt một quyển lịch ở bàn học của bé và để bé tự đánh dấu những nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành. Nếu bé chưa viết thành thạo, mẹ có thể làm giúp việc này cho con. Nhưng ngay sau khi bé đọc thông, viết thạo, bạn cần để bé tự làm. Việc làm này sẽ giúp bé có ý thức học tập hơn và không bị cuống trong những thời điểm quan trọng như lúc thi học kỳ hay khi có bài kiểm tra.
4. Trang bị dụng cụ học tập cho con
Bé cần có đủ dụng cụ học tập như bút chì (bút mực), tẩy, sách, vở… Bạn có thể trao đổi với giáo viên, các bậc phụ huynh khác… để chọn mua dụng cụ học hợp lý cho bé.
Đôi khi, những thứ nho nhỏ có thể khiến con hào hứng tới trường, như một chiếc tẩy hình con vật hay chiếc hộp bút lấp lánh... Những đồ này không tốn nhiều tiền mà có thể đem lại cho con cảm giác hứng thú học tập.
5. Học nhiều không bằng học đều
Bạn cần sắp xếp việc nhà để có thời gian chăm chút đến việc học của con. Nếu bé được tan học sớm, bạn có thể động viên bé hoàn thành bài tập về nhà trước bữa cơm tối. Khoảng 15 phút làm bài một lần, bạn có thể cho bé nghỉ ngơi, kiểm tra và hỗ trợ quá trình làm bài cho con.
6. Dạy bé kỹ năng đánh dấu thông tin quan trọng
Nhiều bé không biết tóm tắt ý chính của bài học, ý nào quan trọng hơn ý nào. Nhiều bé thích viết tất cả những gì thầy cô giáo đã dạy trên lớp. Vì thế, thông tin về bài học có thể lan man, không rõ ràng. Bạn có thể dạy bé viết những ghi chú quan trọng. Cách này hơi mất thời gian nhưng bé sẽ học được kiến thức theo cách sắp xếp riêng của bé.
7. Giúp con có lịch ngủ, nghỉ tốt
Hãy dành thời gian điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt và đảm bảo con có đủ thời gian thư giãn. Việc cho trẻ đi ngủ vào giờ giấc đều đặn rất quan trọng để cơ thể khỏe mạnh, đầu óc tỉnh táo tiếp thu kiến thức.
8. Khuyến khích con đọc - bất cứ thứ gì
"Tôi cho rằng đọc là một trong những điều tốt nhất học sinh có thể làm và điều này đúng ở mọi lớp, mọi lứa tuổi", Sarah Layden, giáo viên tiếng Anh tại đại học ở Indiana (Mỹ), nói. Có thể cho trẻ đọc bất cứ thứ gì: sách, tạp chí, báo, truyện tranh, biển báo bên đường. Với trẻ chưa hay mới biết đọc, bố mẹ dành thời gian đọc truyện với con là cách giúp trẻ hào hứng với việc đọc.
9. Cho con làm việc nhà
Làm việc nhà sẽ giúp trẻ học được cách quản lý thời gian, chịu trách nhiệm và kỹ năng tổ chức - tất cả những điều này đều có lợi cho quá trình học tập của con. Nên giao việc và thời hạn cũng như giúp con chọn được phương pháp hoàn thành tốt mọi việc.
10. Thường xuyên tới thư viện
Sách và đĩa giáo dục miễn phí đều có sẵn ở thư viện. Khích lệ trẻ đọc theo sở thích, tự tìm kiếm sách trong thư viện. Có thể con sẽ yêu thích một môn học và sau này dẫn tới lựa chọn ngành học từ những cuốn sách đó. Ngay cả khi điều này không xảy ra, trẻ sẽ vẫn say mê các con chữ, ý tưởng, việc tranh luận, phát triển kỹ năng tư duy phản biện.
11. Cho trẻ khoảng độc lập, tự chủ cho trẻ
Đừng quá sát sao bắt con làm bài tập vì điều đó không giúp trẻ đạt điểm cao mà làm con trở nên lệ thuộc vào sự thúc ép của cha mẹ. Hãy luôn sẵn sàng trợ giúp và hướng dẫn nhưng dần dần để con tự chủ trong việc học. Lớp 4 là thời điểm hợp lý để ngừng kiểm tra cặp con mỗi tối và để trẻ tự đương đầu với hậu quả khi không làm bài tập hoặc quên các vật dụng.
12. Hãy để trẻ được làm trẻ con
Thời gian chơi đùa và nghỉ ngơi rất quan trọng với sức khỏe tinh thần và cả việc học các kỹ năng xã hội, phát triển cảm xúc cũng như khả năng sáng tạo của trẻ. Hãy cho trẻ thời gian để chơi tự do, không có màn hình TV, điện thoại...
Xem thêm:
1.
BÍ QUYẾT chăm con ĐẸP DÁNG, SÁNG DA, VÓC DÁNG CÂN ĐỐI ngay từ ngày đầu lọt lòng
2.
6 THỰC PHẨM TRONG SIÊU THỊ bà nội trợ khôn ngoan KHÔNG NÊN RƯỚC VỀ NHÀ
Tác giả: Phạm Thị Hương Tươi
-
4 bí quyết chọn đồ chơi cho con cha mẹ nào cũng nên biết
-
Mách mẹ cách cho trẻ sơ sinh tự bú bình an toàn, đúng chuẩn
-
Thực đơn NGON, BỔ, RẺ cho các bữa ăn hằng ngày của gia đình
-
Tử vi mới nhất Thứ Hai ngày 12/2/2018 của 12 cung hoàng đạo cực chuẩn, cực thú vị
-
Mẹo nhỏ giúp con quản lý tiền bạc 100% từ phương pháp 5 chiếc lọ của người Do Thái