Các bà nội trợ lo lắng khi thấy nước luộc rau chuyển màu xanh đen nghi nhiễm độc: Chuyên gia hé lộ sự thật

( PHUNUTODAY ) - Theo các chuyên gia, nước rau muống luộc chuyển màu vẫn sử dụng được bình thường.

Nước luộc rau muống chuyển màu xanh đen do nguyên nhân gì?

Rau muống là loại rau vô cùng quen thuộc trong mâm cơm người Việt, tuy nhiên loại rau này dễ bị người trồng sử dụng chất kích thích hoặc phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc.

Đã có không ít ý kiến cho rằng, loại rau luộc cho màu nước như vậy là do bị nhiễm độc, tồn dư đạm (phân bón) quá cao nên thường lo lắng khi sử dụng.

Trước những băn khoăn trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm (nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm - ĐH Bách khoa HN) trả lời trên Khám phá, việc nước rau muống luộc để nguội chuyển sang màu xanh đen không có gì đáng ngại.

Việc nước rau chuyển sang màu xanh là do trong nước có dư lượng canxi và magie nên có tính kiềm. Bởi vậy khi luộc rau các bà nội trợ chỉ cần cho 1 chút muối ăn hoặc sau khi luộc chỉ cần vắt một chút nước cốt chanh vào bát nước rau thì sẽ không còn tình trạng đó.

Ngoài ra, việc luộc rau có màu xanh mướt hay không còn tùy thuộc vào giống rau. Nếu rau muống mà ngắn, màu hơi nâu, luộc lên kể cả cho đồ chua như chanh, sấu, lá me … nước cũng không trong được mà ngả qua màu vàng vàng.

Rau muống mới luộc xong xanh mà để một lúc bị thâm, nhiều khi cũng do chưa đủ lửa (chưa chín hẳn), chứ không phải do rau bị nhiễm hóa chất.

Vì vậy, ông Thịnh cũng khuyến cáo không nên nghe theo những thông tin thiếu căn cứ trên mà làm mất đi giá trị món ăn nhiều dinh dưỡng này.

Để rau ngon và đảm bảo an toàn, khi luộc bạn nên đậy nắp vung, để nước ngập phần rau. Khi rau chín tới phải vớt ra ngay, vừa bảo toàn vitamin trong rau lại không làm mất màu xanh.

Trong khi luộc rau các bà nội trợ chỉ cần cho 1 chút muối ăn hoặc sau khi luộc chỉ cần vắt một chút nước cốt chanh vào bát nước rau thì sẽ không còn tình trạng đó.

Cách nhận biết rau muống nhiễm độc

Để mua rau muống an toàn không nhiễm độc, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên tránh mua những bó rau có cọng to hơn bình thường, loại rau khi tươi bẻ thấy quá giòn, lá màu xanh sẫm, nhìn từ xa mặt trên của lá rất bóng và mướt vì loại rau này người trồng dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá.

Một dấu hiệu khác đó là khi rửa rau muống nếu thấy nổi bong bóng quá nhiều cũng không nên dùng vì có nguy cơ rau muống nhiễm hóa chất. Rau chứa nhiều chất kích thích thường dễ dập nát, dù non mơn mởn nhưng vẫn mất nhiều thời gian để luộc chín. Ngoài ra, khi bẻ thân rau không có nhiều nhựa chảy ra.

Nếu rau muống khi luộc nước có màu hơi đục, khi cho chanh hoặc sấu vào nước mà không thay đổi màu sắc thì rau muống đó đã bị nhiễm chì. Vì bình thường khi cho chanh hoặc sấu vào chất axit sẽ làm mất diệp lục làm chuyển màu nước trong.

Tác dụng của rau muống với sức khỏe

Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, trong đông y rau muống có vị ngọt, tính hàn. Nhưng khi chế biến, tính hàn của rau sẽ giảm đi. Ngoài sử dụng làm thực phẩm hàng ngày rau muống còn là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe.

“Rau muống có tác dụng nhuận tràng, nhất là dùng cho những người bị táo bón. Ngoài ra, nó còn tác dụng thải độc cơ thể, làm sạch ruột do hàm lượng chất xơ trong loại rau này cao.

Không chỉ có vậy, thường xuyên ăn rau muống rất tốt cho người bị thiếu sắt, vì trong rau có nhiều vitamin nhóm B. Loại vitamin này có vai trò rất quan trọng tạo ra các tế bào máu cho cơ thể. Phụ nữ đang mang thai, người mới ốm, trẻ nhỏ nên thường xuyên ăn rau muốn để bổ sung thêm sắt từ loại rau này”, lương y Vũ Quốc Trung chia sẻ.

Tác giả: Vũ Ngọc