Các khoản tiền phải nộp khi nhận thừa kế nhà đất từ cha mẹ, ai cũng cần biết

( PHUNUTODAY ) - Khi nhận thừa kế từ cha mẹ, người nhận sẽ phải nộp những khoản tiền dưới đây.

1. Thuế thu nhập cá nhân

Các trường hợp không phải nộp vì được miễn

Điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thu nhập từ nhận thừa kế giữa những người sau thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân:

- Giữa vợ với chồng;

- Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ;

- Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi;

- Cha chồng, mẹ chồng với con dâu;

- Cha vợ, mẹ vợ với con rể;

- Ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại;

- Anh chị em ruột với nhau.

Trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Nếu không thuộc trường hợp 1 thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân, cụ thể:

Điểm c khoản 9 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định cá nhân có thu nhập từ nhận thừa kế là bất động sản phải nộp thuế thu nhập cá nhân, gồm:

- Quyền sử dụng đất;

- Quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất;

- Quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai;

- Kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai;

- Quyền thuê đất;

- Quyền thuê mặt nước;

- Các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức.

Mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi nhận thừa kế trong trường hợp này được quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Cụ thể, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi nhận thừa kế bất động sản được xác định theo công thức sau:

Thuế thu nhập cá nhân = 10% x Giá trị bất động sản nhận được

Lưu ý: Chỉ những bất động sản có giá trị lớn hơn 10 triệu đồng mới phải nộp thuế.

2. Lệ phí trước bạ

Trường hợp miễn lệ phí trước bạ

Khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP quy định khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là di sản thừa kế giữa những người sau đây sẽ được miễn lệ phí trước bạ:

- Giữa vợ với chồng;

- Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ;

- Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi;

- Cha chồng, mẹ chồng với con dâu;

- Cha vợ, mẹ vợ với con rể;

- Ông nội, bà nội với cháu nội;

- Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại;

- Anh, chị, em ruột với nhau.

Các trường hợp phải đóng lệ phí trước bạ

Căn cứ theo Nghị định 10/2022/NĐ-CP và Thông tư 13/2022/TT-BTC, mức lệ phí trước bạ phải nộp khi thừa kế nhà đất được xác định theo công thức sau:

Lệ phí trước bạ = 0,5% x Giá tính lệ phí trước bạ

Trong đó, giá tính lệ phí trước bạ là giá đất trong Bảng giá đất, giá 01m2 nhà ở tính lệ phí trước bạ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Cụ thể:

- Đối với di sản là quyền sử dụng đất: Lệ phí trước bạ = 0,5% x (Giá 01m2 đất trong Bảng giá đất x Diện tích được nhận thừa kế)

- Đối với di sản là nhà ở: Lệ phí trước bạ = 0,5% x (Diện tích nhà chịu lệ phí trước bạ x Giá 01m2 x Tỷ lệ % chất lượng còn lại)

3. Phí thẩm định hồ sơ

Thông tư 85/2019/TT-BTC quy định phí thẩm định hồ sơ khi đăng ký biến động đối với trường hợp thừa thừa kế do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nên mức thu giữa các tỉnh, thành là khác nhau.

Người dân cũng cần lưu ý rằng không phải tỉnh, thành nào cũng thu khoản phí này.

4. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận

Trường hợp người thừa kế đề nghị cấp và được cấp Sổ đỏ, Sổ hồng mới (tức là người thừa kế sẽ nhận Giấy chứng nhận mới đứng tên mình thay vì vẫn để Giấy chứng nhận cũ và chỉ đăng ký biến động để ghi tên vào trang 4 của Giấy chứng nhận) thì phải nộp khoản tiền này. Mức lệ phí này được 

Lệ phí cấp Giấy chứng nhận do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định nên mức thu từng tỉnh, thành có thể khác nhau nhưng đều thu dưới 100.000 đồng/Giấy chứng nhận/lần cấp.

Ngoài ra, những khoản phí được liệt kê ở phía trên là những nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí phải nộp vào ngân sách, chưa bao gồm các chi phí khác như phí công chứng.

Tác giả: Thanh Huyền