Những ngày qua, chủ đề xoay quanh những bộ áo dài truyền thống đang được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới học sinh - sinh viên, thế hệ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo đó, trong một buổi truyền cảm hứng áo dài tại trường THPT Marie Curie (TP.HCM) đề nghị khuyến khích học sinh nam mặc áo dài chào cờ vào sáng thứ Hai hàng tuần của nghệ sĩ Kim Xuân đã tạo ra một chủ đề bàn luận sôi nổi trong giới học đường. Chủ đề này sau đó được lan truyền trên mạng xã hội và tạo ra nhiều phản ứng trái chiều khác nhau.
Nghệ sĩ Kim Xuân, người đưa ra đề xuất nam sinh nên mặc áo dài vào ngày thứ 2 đầu tuần.
Một số cư dân mạng cho rằng, việc con trai mặc áo dài, khăn đóng đến trường khá là bất tiện vì con trai phải chạy nhảy, vui chơi, trong khi đó thời tiết Sài Gòn thì nóng bức. Việc vào nhà vệ sinh cũng trở nên bất tiện nếu bộ quần áo có 2 tà dài trước và sau. Chưa kể, nhiều người lo lắng về vấn đề kinh phí khi may một bộ áo dài chỉ để mặc vào ngày thứ hai.
Cư dân mạng có nhiều ý kiến trái chiều về chuyện nam sinh mặc áo dài đi học
Tuy nhiên, nếu nhìn theo khía cạnh ngược lại, các nữ sinh đã gìn giữ truyền thống mặc áo dài khá lâu và trở thành một nét văn hóa học đường. Các bạn nữ cũng có người thích vui đùa, thích chạy nhảy, nhiều nữ sinh sẵn sàng buộc gọn tà áo dài thể tham gia các hoạt động thể thao thì tại sao nam sinh lại không thể? Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng việc vệ sinh cá nhân của phái nữ còn "khó nhằn" hơn bởi yếu tố giới tính thế nhưng các nữ sinh vẫn có thể mặc áo dài.
Rất nhiều cư dân mạng bày tỏ sự thích thú với đề xuất nam sinh mặc áo dài truyền thống đi học vào sáng thứ 2. Theo đó, loại áo dài được nhắc đến không phải loại có tà dài lượt thượt, tay chẽn, bó sát như của nữ mà chính là chiếc áo ngũ thân với tà ngắn, tay áo không quá bó với dáng áo rộng rãi, dễ cử động. Đó cũng là loại áo mà các cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đang áp dụng tại công sở vào thứ 2 gây sốt thời gian vừa qua.
Áo dài ngũ thân được các cán bộ của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc như đồng phục công sở.
Ảnh minh họa của áo dài ngũ thân, tiền thân của áo dài hiện đại.
Thời thế thay đổi, kèm theo đó là những bộ tây trang tiện dụng, áo thun, quần jeans, hoodies,...Thế nhưng, trong văn hóa người Việt, áo dài vẫn là một bộ trang phục dân tộc gần gũi, quen thuộc gắn bó với các thế hệ nữ sinh.
Và thời điểm hiện tại, khi văn hóa cổ phong, nghiên cứu, tái hiện Việt phục đang được đông đảo các bạn trẻ đón nhận, phải chăng áo dài nói chung và áo dài ngũ thân nói riêng nên là loại trang phục đầu tiên được phổ biến cho cả nam lẫn nữ, sau đó sẽ đến Nhật bình, giao lĩnh, viên lĩnh, áo tấc,...Dần dần gây dựng lại nét văn hóa Việt phục thuần túy đang dần bị thất truyền.
Bản phác thảo một nam sinh mặc áo dài đến lớp.
Tác giả: Lê Hải Yến