Không có việc quan trọng không nên đến gần khu vực Công ty Rạng Đông
Mới đây, Bộ TN-MT xác định, đã có 15,1 - 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy Công ty Rạng Đông.
Kết quả quan trắc cho thấy, nhiều mẫu không khí; mẫu nước, mẫu bùn trên sông Tô Lịch (cách cống xả Công ty Rạng Đông 1 km - 1,5 km) có chỉ số thủy ngân vượt qui chuẩn Việt Nam. Đáng chú ý, nếu căn cứ theo tiêu chuẩn của WHO thì một số mẫu không khí trong khuôn viên Công ty Rạng Đông có chỉ số thủy ngân vượt ngưỡng cho phép từ 10 - 30 lần.
GS-TSKH Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) cho rằng hàm lượng thủy ngân thoát ra bên ngoài như đã công bố rất đáng để cảnh báo cho người dân khu vực xung quanh cần chú ý đề phòng trong việc đi lại, thực phẩm ăn uống.
“Theo tôi, nếu không có việc gì cần thiết thì người dân không nên qua lại xung quanh khu vực Công ty Rạng Đông. Nếu bắt buộc phải qua thì nên đeo những loại khẩu trang chuyên dụng ngăn hóa chất bởi khẩu trang dùng một lần hay làm bằng vải thông thường chủ yếu chỉ để chắn các loại bụi to chứ không thể chặn được thủy ngân dạng hơi trong không khí”, ông Sung nói và nhấn mạnh: "Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn chỉ là biểu hiện ngộ độc cấp tính ngay khi hít phải thủy ngân tại đám cháy, còn ngấm dần trong thời gian dài thì không có biểu hiện rõ nét".
Theo ông Sung, nếu có điều kiện, người dân ở gần khu vực đám cháy có thể tạm thời di chuyển đến ở nơi khác trong một thời gian.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết thêm, từ các kết quả quan trắc sau sự cố, cho thấy phạm vi, vùng có nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân trong bán kính đến 500m tính từ hàng rào của kho Công ty Rạng Đông.
Biểu hiện nhiễm độc thủy ngân
Tùy thuộc dạng thủy ngân, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể mà biểu hiện ngộ độc ở mỗi người khác nhau. Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần kể từ khi tiếp xúc với nguồn.
Người nhiễm độc thủy ngân thường có hiện tượng tê và đau nhói ở môi, ngón tay, ngón chân do ngộ độc thủy ngân gọi là chứng dị cảm (paresthesia).
Nuốt thủy ngân vô cơ gây ngộ độc cấp; tiếp xúc với dạng hữu cơ như ăn phải cá chứa thủy ngân thường gây ngộ độc mạn; hít phải hơi thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính.
Những người có biểu hiện nhiễm độc thủy ngân nhẹ có triệu chứng đầu tiên là sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.
Đối với trẻ nhỏ thường mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định, kém ăn, vẻ buồn bã.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Chiêu trò chốn phòng the của các mỹ nhân Trung Hoa khiến đàn ông say như điếu đổ, điêu đứng cả đời
-
5 thực phẩm đại kỵ với người cho con bú: Mẹ cạn sữa, con khóc ngằn ngặt còi cọc xanh xao
-
Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Kết quả xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân của 11 người ra sao?
-
Cảnh báo nhiễm độc thủy ngân và lưu huỳnh trong vòng bán kính 1km sau vụ cháy Nhà máy Rạng Đông
-
Sau vụ cháy nhà mày Rạng Đông: Làm gì để tránh hít phải thủy ngân trong không khí?