Chia sẻ trên Doanh nghiệp và Tiếp thị, BSCKII. Bùi Xuân Phúc, Bộ môn Nội Tổng Quát - Đại học Y Dược TP. HCM cho biết có những đối tượng dễ bị virus SARS-CoV-2 tấn công và dễ bị bệnh nặng hơn những người khác như người cao tuổi, người có bệnh nền. Những người này cần vào các khoa ICU nhiều hơn, thậm chí phải đặt nội khí quản và thở máy.
BS Xuân lưu ý 8 nhóm người sau cần được đặc biệt quan tâm khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
1. Người 65 tuổi trở lên
Theo tuổi tác, chức năng miễn dịch giảm dần. Khi đó, khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường của cơ thể cũng suy giảm.
Ngoài ra, những người này cũng bị các phản ứng viêm quá mức. Mức độ viêm cao có thể làm tổn thương phổi, thận và ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác.
Người cao tuổi là nhóm đối tượng hay có sẵn tình trạng đa bệnh lý cộng với nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây biến chứng bệnh tim, gan, thận trước đó.
Các nghiên cứu của Mỹ cho thấy, nhóm người trên 65 tuổi chiếm 80% ca tử vong do Covid-19.
2. Người bị bệnh phổi
Những người mắc các bệnh về phổi (như hen suyễn, giãn phế quản, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, xơ phổi và các bệnh phổi kẽ) nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt là những người bị tắc nghẽn phổi mãn tính và bệnh phổi kẽ với đặc trưng là tình trang xơ hoá và mất tính đàn hồi của phổi. Đây là những tình trạng làm giảm khả năng tự thở của người bệnh khi mắc Covid-19.
Trong khi đó, nhóm người bị hen suyễn nhiễm Covid-19 có thể khởi phát cơn hen và đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là những đối tượng kiểm soát cơn hen kém.
Ngoài ra, tình trạng giãn phế quản gây ứ chất dư thừa. Nếu người bệnh nhiễm Covid-19 và bị thêm viêm phổi phát triển thì sự tắc nghẽn đường thở có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
3. Người suy giảm miễn dịch
Những người bị nhiễm HIV, người bị ung thư vừa trải qua điều trị, người bị suy giảm miễn dịch nguyên phát, người được ghép tạng... khi bị nhiễm Covid-19 rất dễ bị bệnh nặng.
4. Người mắc bệnh tim mạch
Cơ thể hoạt động như khối thống nhất, trong đó hệ hô hấp và tim mạch có liên hệ chặt chẽ. Khi bị viêm hô hấp do Covid-19, tim hoạt động nhiều hơn. Vì vậy, người bị bệnh nền tim mạch mắc thêm Covid-19 có thể dẫn tới các bệnh tim mạch như suy tim, đột quỵ
5. Người mắc bệnh đái tháo đường
Nhóm này bị suy giảm miễn dịch liên quan đến cả miễn dịch tế bào và dịch thể. Do đó, khi nhiễm Covid-19, bệnh nhân dễ bị tăng đường huyết và phải cấp cứu.
6. Người mắc bệnh gan
Covid-19 có thể làm bệnh gan sẵn có trở nên nghiêm trọng hơn. Khi điều trị, người bệnh phải dùng cùng lúc nhiều loại thuốc khác nhau cũng làm ảnh hưởng tới tình trạng bệnh gan trước đó.
7. Người mắc bệnh thận mãn tính
Covid-19 cũng làm tăng nặng tình trạng bệnh đối với người mắc bệnh thận mãn tính. Người có chức năng thận càng kém thì nguy cơ càng cao, đặc biệt là những đối tượng phải chạy thận nhân tạo.
8. Người béo phì
Người béo phì có khả năng bị suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, những người này thường mắc nhiều bệnh lý như đái tháo đường, tim mạch, rối loạn mỡ máu. Do đó, khi nhiễm Covid-19, người bệnh dễ bị nặng hơn.
Ngoài ra, còn một số nhóm đối tượng khác dễ bị nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2 là người khuyết tật, người mắc các bệnh lý thần kinh, người có nền kinh tế thấp...
Tác giả: Thanh Huyền
-
Hà Nội phong tỏa Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp vì có 3 nhân viên y tế là F0
-
Cả nhà 10 người dương tính và 25 ngày 'chiến đấu' với virus tại nhà: F0 tuyệt đối không được bỏ qua bước này
-
Gia đình 4 người âm tính sau 10 ngày điều trị tại nhà: Đêm không dám ngủ một mạch, luôn canh từng nhịp thở
-
Thấy hàng xóm qua đời vì nCoV, tôi đi mua test nhanh về cho cả nhà thì 12 người đều dương tính
-
Bác sĩ cảnh báo dấu hiệu quan trọng cho thấy F0 bắt đầu bước vào giai đoạn nguy hiểm tính mạng