Chuyên gia tư vấn: Cách xây dựng chế độ ăn cho trẻ bị béo phì, điều 5 cha mẹ cần đặc biệt chú ý

( PHUNUTODAY ) - Ngày nay, đời sống sinh hoạt, ăn uống ngày càng được cải thiện khiến số lượng trẻ em bị bệnh béo phì cũng có xu hướng tăng lên. Việc giảm cân ở độ tuổi này thường rất khó, vì vậy cha mẹ cần biết và xây dựng một chế độ ăn dinh dưỡng cho trẻ béo phì một cách khoa học.

Sau khi nhận thấy sự thay đổi ngoại hình của trẻ có dấu hiệu béo phì, cha mẹ nên vận dụng những phương pháp điều trị béo phì cho trẻ theo khuyến cáo của bác sĩ cũng như chuyên gia. Trong đó, quan trọng nhất là việc thay đổi chế độ ăn uống sao cho phù hợp, khoa học. 

1. Hạn chế chất béo và những loại thực phẩm chứa năng lượng rỗng 

Thay vì chế biến các món ăn theo kiểu chiên, rán hay xào với nhiều dầu mỡ, cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn những món hấp, luộc hoặc kho. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên cho bé ăn nhiều mỡ và da động vật. Trong trường hợp, nếu muốn sử dụng dầu để nấu ăn thì hãy chọn dầu thực vật. Bạn nên hạn chế cho trẻ tiêu thụ các loại thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn thức uống chứa nhiều đường, chocolate, bơ,....

Ngoài ra, các món như nước ngọt có gas, bánh kẹo, bánh kem, snack hay đồ ăn vặt, mặc dù chúng có thể cung cấp nhiều năng lượng nhưng lại rất nghèo nàn về dinh dưỡng, cha mẹ không nên tích trữ chúng trong nhà hoặc mua cho trẻ ăn quá nhiều.

2. Hàm lượng đạm bổ sung phù hợp

Mặc dù trẻ bị béo phì nhưng cha mẹ vẫn cần phải bổ sung đạm cho con để tránh nguy cơ cơ thể bị thiếu chất. Mỗi nhóm tuổi lại có hàm lượng đạm và protein cần thiết cho cơ thể khác nhau. Cụ thể:

- Trẻ nhỏ từ 1 - 3 tuổi: Lượng protein cần thiết tối thiểu là 13g/ngày;

- Trẻ nhỏ từ 4 - 8 tuổi: Lượng protein cần thiết tối thiểu là 19g/ngày;

- Trẻ từ 9 - 13 tuổi: Lượng protein cần thiết tối thiểu là 34g/ngày;

3. Tăng cường cho trẻ ăn rau xanh và ngũ cốc

Các loại thực phẩm như trái cây tươi và rau xanh không những có thể cung cấp cho cơ thể nhiều chất xơ, vitamin mà còn làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ, và không làm dư thừa năng lượng trong cơ thể. Chính vì lý do đó, nhiều người bị béo phì hay không đều lựa chọn các thực phẩm này trong việc tăng  được cường bổ sung khi có kế hoạch giảm cân. Còn đối với ngũ cốc, trong chúng có chứa không ít chất dinh dưỡng giúp cơ thể có đủ tinh bột, khoáng chất và vitamin thiết yếu cho cơ thể mà không làm dư thừa chất béo. 

4. Cung cấp đầy đủ canxi cho trẻ

Cha mẹ cần biết và nhớ một điều rằng, mặc dù bạn cần giảm thiểu lượng chất béo và lượng thức ăn xuống cho trẻ nhưng không nên cắt giảm lượng canxi mà trẻ cần tiêu thụ hàng ngày. Bởi canxi đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển vững chắc của hệ xương cũng như chiều cao của trẻ.  Canxi thường được tìm thấy trong sữa và các chế phẩm từ sữa hay các thực phẩm khác như hải sản và rau củ (súp lơ xanh, cải chíp, cải xoăn, rau chân vịt, rau dền,...). Trong đó, khi chọn sữa, các bà mẹ nên chọn những dòng sữa tách béo, sữa không đường, sữa dành cho trẻ thừa cân béo phì. Không nên cắt đi lượng sữa cần thiết cho trẻ vì trong sữa chứa rất nhiều vitamin D, canxi, đạm whey, photpho, lactose,... Ngoài ra cha mẹ cần đảm bảo trẻ được bổ sung đủ nước mỗi ngày để điều hòa và cân bằng các chất trong cơ thể.

5. Ăn đúng bữa, đúng giờ

Dù cho trẻ có bị thừa cân béo phì thì vẫn rất cần được ăn đủ bữa, nếu ăn thiếu bữa lệch giờ sẽ khiến trẻ càng cảm thấy đói và ăn nhiều hơn bình thường. Thay vì cha mẹ cho trẻ ăn 3 bữa/ngày, cha mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn thành 5 - 6 bữa/ngày, lượng thức ăn mỗi bữa cắt giảm đi sẽ tốt hơn việc ăn ít bữa nhưng mỗi bữa lại dung nạp quá nhiều thức ăn. Đối với giấc ngủ, cha mẹ nên cho đi ngủ sớm, không nên thức quá khuya vì điều này càng khiến trẻ cảm thấy đói và muốn ăn vặt buổi đêm. Bên cạnh đó khi chìm sâu vào giấc ngủ cơ thể trẻ sẽ tiết ra nhiều hơn các hormone tăng trưởng, thúc đẩy phát triển chiều cao trong khi ngủ. 

Nhìn chung tình trạng béo phì không những gây ảnh hưởng tiêu cực đến người lớn mà nếu trẻ em gặp phải vấn đề này cũng xảy ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Chính vì vậy, nếu cha mẹ thiết lập chế độ ăn cho trẻ béo phì một cách hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện mà vẫn đảm bảo khoa học, đủ chất. Bên cạnh sự thay đổi về chế độ ăn uống, các bậc phụ huynh cũng nên chú trọng đến sự vận động của trẻ để tránh nguy cơ thừa cân béo phì, ì trệ,...

Tác giả: Minh Hằng