Cô gái 25t suy gan cấp vì uống thuốc đau đầu
Chị Đặng Thị Ngọc A. (25 tuổi, ở Phù Ninh, Phú Thọ) được đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu trong tình trạng ý thức lơ mơ, tiếp xúc chậm chạp, mệt mỏi, nôn nhiều, da vàng đậm, bụng chướng đau.
Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 6 ngày trước khi vào viện, chị A. cảm thấy đau đầu nên tự ý mua paracetamol về uống. Chị A. đã uống uống 4 viên 500mg/ngày trong vòng 6 ngày, tổng liều là 12g.
Qua khai thác tiền sử bệnh, các bác sĩ nhận thấy chị A. có khả năng cao bị ngộ độc paracetamol do dùng thuốc liều cao kéo dài.
Sau 3 giờ nhập viện và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy gan cấp do ngộ độc paracetamol. Thời điểm nhập viện, chức năng gan của bệnh nhân bị rối loạn nặng.
Bác sĩ chỉ định điều trị cho bệnh nhân theo thuốc giải độc đặc hiệu Acetylcystein đường tĩnh mạch liên tục 20h, hỗ trợ tế bào gan, dinh dưỡng.
Sau 6 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã dần ổn đinh, ăn uống được, da đỡ vàng và dự kiến sẽ ra viện trong vài ngày tới.
Ths.BS Hà Thị Bích Vân (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết paracetamol hiện là một trong những thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến. Đây được xem là loại thuốc khá an toàn nếu được dùng đúng liều. Tuy nhiên, dùng paracetamol quá liều hoặc dùng liên tục trong nhiều ngày sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, có thể gây ra ngộ độc và đe dọa tính mạng.
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp bị ngộ độc khi tự ý sử dụng paracetamol quá liều.
Năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận một nam thanh niên 22 tuổi ở Sơn La trong tình trạng tổn thương gan, viêm gan rất nặng, có dấu hiệu suy gan. Trước khi đến viện, bệnh nhân đã uống 19 viên paracetamol loại 500 mg/viên để hạ sốt chỉ trong hai ngày. Do dùng thuốc quá liều nên bệnh nhân bị ngộ độc cộng với tiền sử viên gan B nên tình trạng bệnh tăng nặng.
Lưu ý sử dụng thuốc paracetamol tại nhà
Paracetamol là thuốc có thể mua mà không cần đơn của bác sĩ. Các chuyên gia cũng đã khuyến cáo về liều dùng paracetamol phù hợp với từng lứa tuổi như sau:
- Trẻ em: 60mg/kg/ngày, chia làm 4 hoặc 6 lần, tức là 15mg/kg mỗi 6 giờ hoặc 10mg/kg mỗi 4 giờ.
- Người lớn: 3 g/ngày, chia làm 4 hoặc 6 lần, cách nhau ít nhất 4 giờ. Trong trường hợp đau nặng, liều tối đa có thể được tăng lên đến 4g/ngày.
Theo các chuyên gia, người bị ngộ độc paracetamol có thể có các biểu hiện như chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau sườn bên phải. Với các trường hợp có triệu chứng rõ ràng của nhiễm độc, người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng do suy đa tạng.
Khi gặp vấn đề về sức khỏe, người dân nên chủ động đến cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và chẩn đoán bệnh; không nên tự ý mua thuốc và uống tại nhà trong thời gian dài, tránh xảy ra các trường hợp ngoài ý muốn.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Sai lầm của cha mẹ khiến trẻ dễ bị ngộ độc thuốc hạ sốt
-
Bé trai nguy kịch vì uống paracetamol: Cảnh báo dấu hiệu ngộ độc mà ai cũng cần biết
-
7 điều kiêng kỵ với bếp để không bị tiêu tài tán lộc, gia đình êm ấm, an vui
-
Nam bệnh nhân 36 tuổi đang khỏe mạnh bỗng đau đầu suýt mất mạng: BS chỉ ra nguyên nhân ít ai ngờ
-
5 triệu chứng chứng tỏ bạn đang bị thiếu máu não: Bs khuyên ăn nhiều 3 loại rau giúp lưu thông máu