Có nên rửa lõi lọc của máy lọc nước không?

( PHUNUTODAY ) - Trong quá trình sử dụng, bạn có thể tiến hành vệ sinh lõi lọc của máy lọc nước để loại bỏ các cặn bẩn, giúp đảm bảo hiệu quả của quả trình lọc nước.

Máy lọc nước có bao nhiêu lõi lọc?

Trên thực tế, một máy lọc nước không chỉ có một lõi lọc mà luôn có nhiều lõi lọc khác nhau với nhiệm vụ khác nhau. Bạn sẽ thấy có những máy chỉ có 3-5 lõi lọc nhưng cũng có máy có tới hơn 8 lõi lọc.

Với nhu cầu lọc nước sinh hoạt thông thường, bạn có thể chọn loại máy 3-5 lõi. Nếu có nhu cầu uống nước trực tiếp từ máy lọc, gia đình có thể lựa chọn loại 5-7 lõi. Để bổ sung thêm khoáng chất, cân bằng độ pH cho nước, có thể chọn loại 8 lõi lọc trở lên. Tuy nhiên, càng nhiều lõi học thì giá của thiết bị càng cao và chi phí thay lõi định kỳ cũng sẽ cao hơn.

Mỗi máy lọc nước sẽ có nhiều lõi lọc với các nhiệm vụ khác nhau.

Thông thường, lõi lọc số 1 là lõi được làm từ sợi bông PP - Polypropylene có tác dụng giữ lại bùn đất, rong rêu, kim loại nặng có kích thước lớn hơn 5 micron.

Lõi lọc số 2 là lõi than hoạt tính có tác dụng hấp thụ kim loại nặng, các chất tẩy rửa, hóa chất, giảm chì không hòa tan trong nước, loại bỏ mùi hôi Clo và một số loại vi khuẩn.

Lõi lọc số 3 có tác dụng tương tự như lõi lọc 2 nhưng có khả năng lọc sạch hơn, hấp thụ chất nhờn và mùi hôi khó chịu trong nước.

Lõi lọc số 4 (màng lọc RO) làm từ sợi polyamid tổng hợp có chức năng lọc bụi bẩn, chất rắn, ion kim loại nặng, vi khuẩn... có kích thước cực nhỏ trong nước.

Từ lỗi số 5 trở đi là các lõi bổ sung các khoáng chất cho nước, cân bằng độ pH của nước.

Khi vệ sinh máy, bạn có thể rửa các lõi lọc thô, lõi RO, các lõi cung cấp khoáng chất sau đó không cần vệ sinh và chỉ cần thay thế định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Cách vệ sinh lõi lọc thô

Khi vệ sinh máy lọc nước, bạn cần ngắt nguồn điện và đóng van nguồn nước để đảm bảo an toàn.

Tháo các lõi lọc thô ra và lấy phần lõi bên trong (mỗi lõi sẽ có một phần vỏ bọc bên ngoài). Đặt lõi lọc vào xô/chậu.

Cho nước vào một đầu lõi lọc để sục rửa. Dùng bàn chải sạch nhẹ nhàng cọ rửa để loại bỏ các cặn bẩn xung quanh. Rửa lại lõi lọc bằng nước sạch cho hết cặn bẩn và để ráo.

Sau một thời gian sử dụng, các lõi lọc nước sẽ tích tụ nhiều cặn bẩn. Bạn có thể tiến hành vệ sinh lõi lọc hoặc thay mới nếu lõi đã được sử dụng trong thời gian dài.

Cách vệ sinh lõi lọc than hoạt tính

Với lõi lọc than hoạt tính, bạn có thể lấy lõi lọc ra khỏi máy và ngâm trong nước muối loãng khoảng 1-2 tiếng. Sau đó, xả nước sạch để rửa trôi các cặn bẩn bám trên lõi lọc.

Để lõi lọc ráo nước rồi lắp lại máy và thử vận hành máy.

Cách vệ sinh lõi RO

Tháo lõi lọc RO ra khỏi máy và dùng khăn để lau nhẹ xung quanh lõi, dùng nước sạch để rửa. Vì lõi RO có cấu tạo phức tạp nên không được cọ rửa mạnh.

Để lõi lọc khô và lắp lại vị trí ban đầu.

Thời gian thay thế lõi lọc của máy lọc nước?

Với lõi lọc thô và lõi lọc than hoạt tính, bạn có thể thay mới sau 12 tháng sử dụng. Lõi lọc RO có thể thay mới sau 24-36 tháng sử dụng. Các lõi lọc sau có thể thay sau 24 tháng.

Tần suất thay thế lõi lọc tùy thuộc vào điều kiện sử dụng và chất lượng nguồn nước. Bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để biết thời điểm phù hợp thay mới lõi lọc nước, giúp đảm bảo chất lượng nguồn nước của gia đình.

Việc vệ sinh lõi lọc trong quá trình sử dụng chỉ là một phần trong việc duy trì hiệu quả lọc nước của thiết bị. Bạn vẫn cần thay mới lõi lọc định kỳ.

Khi thấy lõi lọc có màu đen, xám, nâu... tức là lõi lọc đã hoạt động một thời gian dài, bắt đầu bão hòa bụi bẩn thì tốt nhất nên thay mới.

Ngoài ra, nếu thấy nước chạy chậm hoặc nước có mùi vị lạ... bạn cũng nên kiểm tra lại lõi lọc và có thể tiến hành thay mới. Đây là những dấu hiệu cho thấy lõi lọc không còn hoạt động hiệu quả.

Tác giả: Thanh Huyền