Cần tiêm bao nhiêu mũi vaccine?
Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, không phải người dân nào cũng sẽ tiêm 7 mũi vaccine Covid-19.
Theo đó, người dân chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 cơ bản. Những người bệnh nền, cao tuổi, có thể phải tiêm mũi bổ sung hoặc tùy từng trường hợp cụ thể.
Có những loại vaccine như Abdala của Cuba sẽ phải tiêm 3 mũi cơ bản, nếu thêm mũi tăng cường có thể phải lên 4, 5 mũi mới đủ liều cơ bản. Ngược lại, vaccine Johnson & Johnson chỉ tiêm 1 mũi, nếu tiêm bổ sung cũng chỉ có 2 mũi.
TS Thái cho hay, trong giấy chứng nhận tiêm chủng, ngoài mũi cơ bản và mũi nhắc lại/bổ sung, những mũi sau đều dành cho tương lai. Vì vậy, người dân không cần lo lắng sẽ phải tiêm tới 7 mũi vaccine.
Trước đó, ngày 7/1, Bộ Y tế vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung văn bản đã ban hành trước đó về hướng dẫn, tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Trong đó đáng chú ý là thay đổi về mẫu giấy xác nhận tiêm 7 mũi vắc xin COVID-19.
Theo đó, mẫu mới được bổ sung các thông tin liên quan mũi tiêm liều cơ bản (3 mũi), liều bổ sung (1 mũi) và liều nhắc lại (3 mũi) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 được cấp cho mỗi cá nhân sau khi thực hiện tiêm chủng vắc xin theo quy định. Căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi kết thúc thời gian theo dõi sau tiêm chủng tại điểm tiêm, cơ sở tiêm chủng cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 theo mẫu cho người dân.
Việc cấp giấy xác nhận sau thời gian theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm nhằm mục đích đảm bảo người được tiêm không xảy ra các vấn đề như sốc, phản ứng với thuốc tiêm.
Như vậy, giấy xác nhận tiêm vắc xin sẽ được cấp sau khi đã hoàn thành việc tiêm chủng. Do đó, Bộ Y tế lưu ý nếu người dân đã hoàn thành việc tiêm chủng nhưng chưa hoặc không được cấp giấy thì liên hệ đến nơi mà người dân đã tiêm để được hướng dẫn về vấn đề này.
Lưu ý tác dụng phụ khi tiêm mũi tăng cường
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhìn chung, những tác dụng phụ phổ biến nhất khi tiêm mũi 3 là sốt, nhức đầu, mệt mỏi và đau tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, hầu hết các biểu hiện này đều nhẹ hoặc trung bình. Một số người còn gặp các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, đau cơ và khớp. Có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy, các cơ sở tiêm chủng cần bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc.
Hiệu quả của tiêm vaccine mũi 3 thế nào?
Dù có thể có tác dụng phụ, lợi ích của việc tiêm mũi 3 là có thật. Một nghiên cứu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), được công bố gần đây, cho thấy rằng 2 tuần sau khi tiêm liều tăng cường của Pfizer, khả năng bảo vệ khỏi nhiễm bệnh là 93,1% ở những người đã tiêm AstraZeneca trước đó và 94% đối với Pfizer.
Dù chưa có dữ liệu về khả năng bảo vệ chống nhập viện hay tử vong sau mũi 3, Giáo sư Wei Shen Lim thuộc Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng và Miễn dịch Anh cho rằng tỉ lệ khả năng bảo vệ có thể còn cao hơn 93%. Tuy nhiên, những người không cảm thấy triệu chứng gì sau khi tiêm cũng không cần lo lắng. Trang tin NPR dẫn lời giáo sư dịch tễ học Charlotte Baker nói rằng nếu không thấy tác dụng phụ thì cũng không có nghĩa là vaccine không hiệu quả, mà chỉ là "phản ứng trong cơ thể của bạn không thể hiện ra ngoài mà thôi".
Tác giả: Mộc
-
Cô gái trẻ nhập viện cấp cứu vì suy gan, nguyên nhân do thói quen làm đẹp nhiều chị em mắc phải
-
Thời điểm ăn gừng tốt nhất trong ngày, mùa đông muốn phòng đột quỵ đừng bỏ qua
-
5 thói quen âm thầm gây loãng xương của bạn, nhất là điều thứ 3 nhiều người mắc phải
-
Dù nam hay nữ, buổi tối nên tránh xa 5 loại thực phẩm 'kẻ thù' của gan thận nếu không muốn xơ gan sớm
-
Nữ nhà văn bị K ruột nhưng 19 năm không tái phát nhờ bát canh rau ngon bổ: Người khỏe cũng nên học tập