"Con dâu hay là con trâu?"

( PHUNUTODAY ) - Tôi dám cá rằng, khi không may gặp phải gia đình nhà chồng khắt khe, vô tình, nàng dâu nào cũng sẽ phải ấm ức tự hỏi mình như vậy, bất kể nàng đã được "rèn giũa" trong môi trường gia trưởng đến đâu.

Các bạn thân mến,

Gần đến Tết, thay vì khoe con và chia sẻ đủ thứ "hầm bà lằng" như mọi khi, phụ nữ có chồng bắt đầu than phiền về "phận làm dâu" trên Facebook (phụ nữ chưa chồng, dĩ nhiên, sẽ than phiền về chuyện chưa muốn lấy chồng). Và ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ không đáng kể, hầu như những rắc rối, khúc mắc khiến phụ nữ có chồng phiền lòng đều đến từ nhà chồng, hay cụ thể hơn là mối quan hệ với bố mẹ chồng, anh/chị/em chồng và họ hàng bên chồng.

Là một người phụ nữ có kinh nghiệm 5 năm đối diện với những khó khăn chồng chất khi sống chung với nhà chồng, tôi dám cá rằng, nếu không may gặp phải gia đình nhà chồng khắt khe, vô tình, nàng dâu nào cũng sẽ phải ấm ức tự hỏi rằng mình là con dâu hay... con trâu, bất kể nàng đã được "rèn giũa" trong môi trường gia trưởng, "nam hệ" lạc hậu đến đâu chăng nữa. Chẳng có cô con dâu nào muốn tạo khoảng cách hay chống đối nhà chồng ngay từ thuở bơ vơ mới về, chỉ có những người-nhà-chồng muốn làm giảm vai trò và tiếng nói của con dâu trong gia đình từ những ngày đầu tiên.

Tuy không phải một mình rửa mấy chục mâm bát ngay sau đám cưới như một cô dâu ở Gia Lâm (Hà Nội), nhưng mẹ chồng tôi cũng kịp dắt tôi đi hai, ba vòng quanh nhà để giao một danh sách dài những "trách nhiệm" hàng ngày: nấu nướng, quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ nội thất, giặt giũ, phơi quần áo, tưới cây,... - Tất cả đều kèm theo "yêu cầu đặc biệt" của riêng bà. (Dù ở thời điểm đó, tôi đã có việc làm)
Vào khoảnh khắc mẹ chồng tôi đưa tôi vào phòng tân hôn, ấn tôi ngồi xuống cuối giường còn bà ngồi ở đầu giường thì tôi đã biết rõ cuộc sống hôn nhân sau này không chỉ phụ thuộc vào tình cảm của hai vợ chồng nữa.

 Đối mặt với sự khắt khe, vô tình của nhà chồng, không ít nàng dâu phải tự hỏi mình là con dâu hay... con trâu. Ảnh minh họa.

Nhờ có các diễn đàn phụ nữ mà tôi mới biết, không chỉ mẹ chồng tôi, mà phần lớn các bà mẹ chồng đều có ý định “uốn nắn” thói quen, sở thích, tính cách của con dâu theo ý mình. Còn cả nhà chồng, thì đều muốn các nàng dâu phải biết dịu dàng, nhẫn nhịn; biết thông cảm, bao dung; biết lo toan, chu tất mọi công việc, từ nhỏ như tính toán mớ rau con cá tới lớn như dung hoà các mối quan hệ họ hàng...

Với họ, một nàng dâu không biết hi sinh là một nàng không yêu gia đình. Với họ, một nàng dâu hoàn hảo sẽ chẳng bao giờ nổi nóng vì "thấp cổ bé họng" mà trách nhiệm nặng nề, không những thế, còn luôn cảm thấy hạnh phúc vì được hầu hạ, phục tùng người khác.

Tôi đã phải đọc đi đọc lại một câu nói của tác giả “Trăm năm cô đơn”, đại ý là điều quan trọng nhất ở một cuộc hôn nhân không phải là hạnh phúc mà là sự ổn định để xua đi sự ấm ức trong suốt 5 năm qua. Không phải riêng tôi, rất nhiều người phụ nữ khác cũng sai ngay từ đầu, cũng tự đập đi lập trường sống của chính mình và không biết đến bao giờ mới thoát ra khỏi cảnh làm... “trâu”.

Chỉ bởi quan niệm “khác máu tanh lòng” đã ăn sâu vào trong đời sống, không cách gì lay chuyển....

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tác giả: Vũ Thêm