Như chúng tôi đã đưa tin, sáng 25/11, ông lão 77 tuổi ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang và người tình 43 tuổi đến thuê nhà nghỉ trên địa bàn để "tâm sự". 30 phút sau, người phụ nữ nhanh chóng rời nhà nghỉ với thái độ hoảng hốt.
Thấy lạ, chủ nhà nghỉ kiểm tra phòng, phát hiện ông lão chết trên giường trong tình trạng không mảnh vải che thân.
"Trong lúc hai người đang mây mưa thì ông ấy đột ngột mệt, co giật và bất tỉnh. Quá hoảng sợ, tôi mặc quần áo vào, nhanh chóng bỏ đi", người phụ nữ khai và cho biết cả hai đã có gia đình riêng, quen nhau một thời gian, thỉnh thoảng hẹn nhau "tâm sự".
Được biết, ông cụ tử vong trong nhà nghỉ là ông Trần Văn H. (77 tuổi, ngụ xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp).
Chiều ngày 27/11, Phó chủ tịch xã Hòa An cho biết: "Ông H thuê nhà nghỉ trên thị trấn Kinh Cùng và tử vong tại đó, sau khi tử vong thì người phụ nữ ở cùng ông H (cũng ở xã Hòa An) đã về kể lại sự việc. Hiện thi thể ông H đã được đưa về nhà để mai táng".
Nói thêm về người đàn ông này, Phó chủ tịch nói tiếp: "Ông H gần 80 tuổi và đã có gia đình. Hơn nữa ông H cũng đi chữa bệnh mới về, tôi cũng nghe nói đi được mấy hôm rồi. Kinh tế nhà ông H cũng ổn định không khó khăn lắm. Gia đình ông chủ yếu cũng làm nông làm ruộng thôi.
Sự việc xảy ra, tôi cũng nghe nhiều người đồn rằng do ông ấy dùng thuốc quá liều gì đó. Nguyên nhân hiện vẫn đang chờ công an họ điều tra".
Trao đổi với PV Trí Thức Trẻ, luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc cụ ông 77 tuổi và cô gái trẻ vào nhà nghỉ thường khó được cộng đồng xã hội chấp nhận vì người ta cho rằng đó là hành động lạ, có vấn đề...
Tuy nhiên, dưới góc độ xã hội và pháp luật thì cần phân biệt một số trường hợp sau đây:
Nếu trường hợp cụ già kia còn khả năng, có nhu cầu, đồng thời là người độc thân và cô gái kia đủ tuổi thành niên, cũng là người độc thân.
Hai người có quan hệ tình cảm thì việc họ thuê nhà nghỉ để "tâm sự" lành mạnh là hành vi hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Còn nếu người già thực hiện hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm hoặc mua dâm thì hành vi này không những không phù hợp với đạo đức... mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
"Vì vậy, đừng vội lên án mà cần hiểu rõ nguyên nhân và có thể thông cảm nếu như hành động đó là thực hiện quyền con người trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội", luật sư Cường nói.
Còn đối với "người tình" của ông cụ 77 tuổi, theo luật sư Cường, nếu hành vi của cô gái là hành vi "bán dâm" thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Nhưng nếu hành vi "tâm sự" giữa "người tình" và cụ già 77 tuổi trên là hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tình cảm thì cũng cần xem xét làm rõ nguyên nhân cái chết của ông cụ để xem xét trách nhiệm của cô này.
Nếu hành vi của cô gái có lỗi vô ý dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị xử lý về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Nhưng giả sử việc "tâm sự" là tự nguyện, ông cụ đột quỵ là do sức khỏe, huyết áp... hoặc có nguyên nhân khách quan khác mà cô gái không thể biết trước, cũng không thể xử lý được thì không bị xử lý bằng các chế tài pháp luật.
Nếu trong trường hợp đang "tâm sự" ông cụ đột quỵ, co giật... mà cô gái không sơ cứu , không hô hoán để mọi người đến cấp cứu mà bỏ đi dẫn đến hậu quả tử vong thì có thể bị xử lý về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm tính mạng theo quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự.
"Trong vụ việc trên sẽ xử lý như thế nào, có áp dụng chế tài với "người tình" này hay không cần phải xác minh làm rõ hành vi của hai người, làm rõ nguyên nhân ông cụ tử vong, làm rõ thái độ, hành vi của cô gái khi phát hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe của cụ ông....
Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, cơ quan điều tra sẽ có kết luận và biện pháp xử lý cụ thể với vụ việc", luật sư Cường nêu rõ.
Đồng quan điểm đó, luật sư Đào Văn Hoàn cũng cho hay, nguyên nhân ông cụ 77 tuổi tử vong trong nhà nghỉ đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, với thông tin ban đầu, "người tình" đi cùng cụ ông có thể đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 102 Bộ Luật hình sự.
Người phụ nữ thấy rõ những biểu hiện về sức khỏe có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho ông cụ nhưng hoàn toàn không có hành động gì để cứu giúp mà bỏ đi.
Nếu "người tình" đã cố gắng thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân nhưng hành vi mà họ thực hiện không phù hợp hoặc không có hiệu quả thì không cấu thành tội này.
Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Tác giả: Vân Tiên
-
Chấn động cả một vùng: Vợ bốc cháy dữ dội, chồng nằm trên giường tắt thở đầy nghi vấn
-
Bé 9 tuổi nhập viện vì sai lầm của bố cho con súc miệng bằng nước muối
-
Cãi nhau trong lúc đang "ân ái", người đàn ông bị đuổi khỏi nhà ở tình trạng khỏa thân
-
Vì 130 triệu, thanh niên ra tay sát hại chị họ rồi thương tiếc đi dự đám tang
-
Nàng dâu hí hửng khoe mẹ chồng tốt tính, tâm lý khiến chị em ghen tị