Đang điều trị ung thư, bé gái rơi vào tình trạng nguy kịch vì bị "thuỷ đậu" tấn công

( PHUNUTODAY ) - Các bác sĩ cho biết, thủy đậu vốn khá lành tính với trẻ em nhưng bệnh nhân T. bị u lympho đã điều trị hóa chất nên rơi vào tình trạng nguy kịch.

Thuỷ đậu vốn là bệnh lành tính với trẻ em, thế nhưng nếu bệnh nhân mắc bệnh thuỷ đậu khi đang điều trị hoá chất thì sẽ rất nguy hiểm.

Bệnh nhân P.T.T. (14 tuổi, Hải Dương) mắc ung thư (u lympho) và đang trong giai đoạn điều trị hóa chất tại Bệnh viện Bạch Mai thì bị thủy đậu "tấn công". Hiện tại bệnh nhân T. đang trong tình trạng nguy kịch và được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.

 Bệnh nhân T. rơi vào tình trạng nguy kịch do mắc thủy đậu.

Liên quan đến trường hợp bệnh nhân T., PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế cảnh báo đang sắp vào mùa thủy đậu (từ tháng Hai đến tháng Năm, trong đó, đỉnh dịch thường rơi vào tháng Ba), người dân cần chủ động phòng bệnh.

“Những ai chưa từng mắc bệnh, chưa tiêm phòng đều có nguy cơ mắc bệnh và nên được bảo vệ bằng vắc-xin. Tuy số mắc nhiều, dễ lây lan nhưng thủy đậu là một bệnh lành tính nên vắc xin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng”, TS. Phu lưu ý.

Khi mắc bệnh thuỷ đậu, thời gian từ khi khởi phát đến khi bình phục mất từ 7 – 10 ngày. Tình trạng viêm da bội nhiễm do thủy đậu rất dễ xảy ra nếu chăm sóc trẻ không đúng cách, để lại các sẹo lõm trên da. Thủy đậu cũng có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê… Đặc biệt ở những người có miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những bệnh nhân khi nhiễm thủy đậu nguy cơ gây biến chứng càng cao.

Cách phòng bệnh thủy đậu

- Cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vaccine và tiêm một liều duy nhất 0,5ml cho trẻ từ 1 - 12 tuổi. Đối tượng từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều, cách nhau từ 6 - 10 tuần. Việc chủng ngừa thủy đậu không chỉ cần tiến hành với trẻ em mà còn ở cả người lớn. Phụ nữ trước khi có ý định mang thai từ 2-3 tháng cần đi tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe cả mẹ và bé. 

- Không tiêm vắc xin thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vắc xin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai.

 Ảnh minh hoạ

- Trong khi dịch bệnh có mặt ở khắp nơi thì cách ly với nguồn bệnh là một biện pháp an toàn giúp ngăn chặn lây lan. Không nên đưa trẻ đến những nơi có nguồn bệnh hoặc  nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện. Không nên đến những chỗ đông người như bến xe, bến tàu. Trong trường hợp bắt buộc phải đến những nơi kể trên cần đeo khẩu trang y tế, vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn ngay sau đó.

- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng, vệ sinh cơ thể, giữ tay sạch sẽ, tránh nguồn lây bệnh.

Tác giả: Huệ Anh