Đây là nhà tư sản nhưng yêu nước nổi tiếng, hiến hơn 5000 lượng vàng cho cách mạng, hiến nhà riêng làm lưu niệm

( PHUNUTODAY ) - Tên tuổi của vợ chồng nhà tư sản đã đi vào sử sách, là người có công lớn với đất nước.

Nhà tư sản yêu nước nổi tiếng là vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và vợ là Hoàng Thị Minh Hồ. Lịch sử đã ghi danh vợ chồng ông bà với đóng góp to lớn cho giai đoạn quan trọng của đất nước.

Kể từ sau khi Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 và trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho tới khi thắng lợi hoàn toàn thì gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến tặng cho chính phủ 5.147 lượng vàng, số vàng này gấp đôi ngân khố năm 1946. Ngoài ra thì gia đình đã hiến ngôi nhà 48 Hàng Ngang nơi ghi dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập đọc tại lễ Quốc khánh 2/9/1945.

Vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ

Gia đình giàu có nhưng sống giản dị

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ là chủ hãng tơ lụa nổi tiếng Trịnh Phúc Lợi ở Hà Nội trước năm 1945. Ông Trịnh Văn Bô là con của một gia đình danh giá chủ hãng buôn tơ lụa Phúc Lợi. Ông được học hành thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông bô thuộc vào dòng dõi của Khánh quận công Trịnh Kiều, con thứ tư Chúa Trịnh Cương. Mẹ ông  Bô là người gốc Hoa, cậu ruột ông cũng là một doanh nhân nổi tiếng đầu thế kỷ XX với hiệu buôn Cự Hưng.

Còn bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm Giáp Dần (1914), là con gái trong một gia đình doanh nhân giàu có thời bấy giờ, cũng là chủ hãng buôn tơ lụa Vạn Tường số 21 phố Hàng Đào.

Hai vợ chồng kết hôn năm 1932, cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa tên hiệu Phúc Lợi và khởi nghiệp với 30 nghìn Đông Dương cha mẹ cho.

Với sự tài năng và chăm chỉ, vợ chồng nhà tư sản yêu nước nhanh chóng ở rộng buôn bán. Không lâu sau đó, hiệu Phúc Lợi mở rộng sản xuất và giao thương với các nhà buôn đến từ Lào, Campuchia, Thái Lan rồi làm ăn với cả thương nhân từ Pháp, Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.

Trong gia đình giàu có luôn có người ở nhưng ông Trịnh Kiến Quốc, con trai cụ Bô kể lại cha mẹ luôn dạy họ cần kiệm, khi di tản lên Phú Thọ họ luôn dặn con cái tiết kiệm trong sinh hoạt, không có chuyện ăn uống thừa mứa, thức ăn phải ăn bằng hết. Thế nên các con dù lớn lên trong gia đình giàu nhưng không hoang phí, và khi lớn hẳn họ mới biết gia đình được đi vào sử sách. 

Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ sinh được 7 người con: Trịnh Lương, Trịnh Đoan Trang, Trịnh Tuyết Anh, Trịnh Kiểm, Trịnh Kiến Quốc, Trịnh Cần Chính, Trịnh Quyết Thắng. Ở nơi tản cư dù có cả 4 vú em đi theo nhưng cụ Trịnh Thị Minh Hồ vẫn hay lam hay làm, vừa chăm sóc con, vừa cuốc đất trồng khoai, buôn chè đi khắp nơi. 

Bà Minh Hồ lúc về già

Có công lớn với cách mạng, công lớn đi vào lịch sử

Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đã bí mật nhận lời với Cách mạng đón đoàn cán bộ từ chiến khu về nhà riêng ở 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo tuyên ngôn độc lập. Nhưng lúc đó vợ chồng ông Bô không biết trong đoàn cán bộ có cụ Hồ. 

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô đã từng hiến 5.147 lượng vàng cho cách mạng kể từ sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 và tiếp đó là trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi dân tộc ta giành thắng lợi.

Bà Minh Hồ từng nói với báo chí rằng  trong số hơn 5.000 lượng vàng mà ông bà hiến cho Cách mạng, có 1.000 lượng vàng được đặc phái viên của Bác là ông Nguyễn Lương Bằng đem đi hối lộ cho 3 viên tướng Tàu là Hà Ứng Khâm (500 lượng), Lư Hán (300 lượng), Tiêu Văn (200 lượng) chỉ để mong hoà hoãn, khỏi đụng độ giữa hai lực lượng, quân Tưởng Giới Thạch và quân ta.

Nói về lý do vì sao gia đình không biết nhiều về cộng sản trước đó mà lại tin tưởng giao tài sản, bà Minh Hồ từng cho biết rằng cũng là do cụ Hồ đã có lời với vợ chồng bà, mà ông bà lại rất tin cụ Hồ với những gì ông bà biết về nhân vật Nguyễn Ái Quốc đôi chút trước lúc cụ đến nhà. Thứ nữa, nếu dân tộc mình mà tránh được tổn thất về con người như mong muốn của cụ Hồ thì dù tài sản ông bà có mất nữa cũng không nên tính toán. 

Trong nạn đói lịch sử năm 1945 của dân tộc, gia đình ông Trịnh Văn Bô còn mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo cho người đói ngoài đường.

Năm 1988, ông Trịnh Văn Bô qua đời. Còn năm 2017, bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng qua đời. Tên Trịnh Văn Bô đã được đặt cho con đường rộng 50 mét, với 6 làn xe cơ giới ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, sau khi ông Trịnh Văn Bô qua đời 31 năm.

Tác giả: An Nhiên