Đeo khẩu trang thôi chưa đủ, hãy thực hiện thêm biện pháp được coi là "chốt chặn cuối cùng" giúp phòng ngừa Covid-19

( PHUNUTODAY ) - Dịch Covid-19 diễn biến phúc tạp, ngày càng nhiều ca mắc mới được phát hiện. Ngoài việc thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay, chúng ta cần phải thực hiện một biện pháp nữa để ngăn virus xâm nhập cơ thể.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - người trực tiếp điều trị thành công cho hai cha con người Trung Quốc mắc Covid-19 từng chia sẻ vệ sinh vùng hầu họng là một trong những biện pháp được ví như "chốt chặn" cuối cùng phòng, chống Covid-19.

SARS-CoV-2 cũng có cơ chế lây nhiễm và gây bệnh giống các virus gây viêm đường hô hấp khác. Virus sau khi đi vào vùng hầu họng sẽ xâm nhập vào các tế bào niêm mạc và bắt đầu quá trình sinh sản, từ một con tăng lên thành hàng trăm con. Khi phát triển tới số lượng và cấu trúc đủ lớn, chúng sẽ phá vỡ tế bào và tràn ra ngoài. Mỗi con virus lại tìm cách xâm nhập vào một tế bào mới. Chu trình như vậy lặp đi lặp lại và càng ngày càng đi sâu vào cơ thể. Đây chính là giai đoạn ủ bệnh.

Đến một thời điểm nhất định, tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi cá nhân, virus đạt đến số lượng đủ lớn để phá vỡ cơ chế tự bảo vệ của cơ thể và khiến bệnh bộc phát. Đây được gọi là giai đoạn phát bệnh.

Trong giai đoạn ủ bệnh, người mang virus không có triệu chứng nên có khả năng âm thầm làm lan truyền mầm bệnh sang người khác.

Để ngăn chặn virus lây lan từ người này sang người khác, chúng ta cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của bác sĩ Lê Quốc Hùng, để việc phòng, chống Covid-19 đạt hiệu quả cao hơn, người dân có thể súc họng bằng dung dịch sát khuẩn. Tuy nhiên, việc này cần phải làm đúng cách mới có hiệu quả.

Không phải loại dung dịch sát khuẩn nào cũng có thể diệt được virus. Với những loại có khả năng diệt virus thời gian có tác dụng cũng khác nhau. Có loại tác dụng chỉ kéo dài trong 1-2 giờ sau khi súc họng, cũng có loại tác dụng có thể kéo dài đến 4 giờ.

Nguyên tắc khi súc họng:

- Súc miệng không thể mang lại hiệu quả diệt virus tối đa do đó phải súc họng, nghĩa là là cố gắng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà bạn có thể chịu đựng được.

- Mỗi lần súc họng chỉ cần khoảng 5ml dung dịch sát khuẩn là đủ. Sử dụng càng nhiều dung dịch sát khuẩn càng khó đưa sâu xuống vùng hầu họng.

- Thời gian súc họng khoảng 2 phút. Trong đó, 3 lần đưa dung dịch sát khuẩn xuống họng (mỗi lần 15 giây). Sau khi súc họng thì nhổ dung dịch ra và không cần súc lại bằng nước.

Nên súc họng trước khi ra ngoài và ngay sau khi từ ngoài về. Sau khi tiếp xúc gần với người khác cũng nên súc họng. Khi đi trên máy bay, nên súc họng với chlohexidin mỗi 3 giờ một lần hoặc ngay sau khi ăn.

Trường hợp đang ở trong vùng có dịch, nên súc họng định kỳ theo thời gian tác dụng của mỗi loại dung dịch.

Tác giả: Thanh Huyền