Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
Độ tuổi gọi nhập ngũ
Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Đi Nghĩa vụ quân sự năm 2024 có được dùng điện thoại, sử dụng mạng xã hội không?
Trên mạng xã hội những ngày này, cũng có những câu hỏi xoay quanh vấn đề quân sự. Mà hầu hết, những người trẻ trước giờ tòng quân đều muốn tìm giải đáp chính xác nhất cho việc liệu đi nghĩa vụ quân sự có được xài điện thoại, sử dụng mạng xã hội hay không?
Trên báo Thanh Niên, vấn đề này từng được chia sẻ như sau:
Luật nghĩa vụ quân sự không cấm, nhưng...
Theo luật sư Trần Anh Vũ, đoàn luật sư TP.HCM, trong điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có quy định rõ và chi tiết về các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia nghĩa vụ quân sự. Cụ thể là: trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự...
"Xài điện thoại, sử dụng mạng xã hội không phải là hành vi bị nghiêm cấm đối với công dân khi nhập ngũ. Thế nhưng, hầu hết các đơn vị vẫn đặt ra quy định về việc hạn chế việc sử dụng điện thoại trong các giờ chấp hành quân lệnh, hoặc không được sử dụng điện thoại làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao", luật sư Vũ cho biết.
Cũng liên quan đến thắc mắc này, trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ chỉ huy quân sự một tỉnh ở vùng duyên hải Bắc bộ cho biết: "Công dân khi đi nghĩa vụ quân sự, trở thành quân nhân trong một đơn vị thì phải chấp hành nghiêm kỷ luật của quân đội. Ngoài ra còn phải chấp hành những quy định riêng của đơn vị mà họ đang biên chế. Tùy vào điều kiện mỗi đơn vị, có thể vẫn được sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, không được sử dụng điện thoại di động khi đang làm nhiệm vụ, thực hiện các chế độ như: đi gác, đi học tập hoặc ngủ nghỉ… vì có thể gây ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ chung của toàn đơn vị".
"Hiện chưa có một văn bản cụ thể nào về xử lý việc lén sử dụng điện thoại di động. Nhưng có rất nhiều hình thức xử lý đối với hành vi sử dụng điện thoại khi đang thực hiện các nhiệm vụ. Nếu đang thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, một quân nhân sử dụng điện thoại di động phát tán hình ảnh lên mạng xã hội có thể bị xử lý. Hình thức xử lý tùy vào mức độ vi phạm. Hoặc một đồng chí đang trong ca trực mà sử dụng điện thoại cũng bị xử lý. Ngoài ra, nếu cán bộ quản lý bắt được quân nhân đang sử dụng điện thoại sai với mục đích thì có quyền lập biên bản, tạm giữ và báo cáo lên người chỉ huy cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo", vị này nói thêm.
Cũng theo vị này: "Nếu quân nhân có thời gian rảnh thì tận dụng thời gian để tự ôn luyện kiến thức nhằm thi đại học hoặc học thêm văn bằng khác. Công dân đi nghĩa vụ quân sự vẫn có nhiều cơ hội để học tiếp. Các chiến sĩ nghĩa vụ được đơn vị tạo điều kiện để tiếp tục ôn luyện thi đại học (có thể quân sự hoặc dân sự), miễn là không ảnh hưởng tới thực hiện nhiệm vụ của đơn vị".
Tác giả: Thạch Thảo
-
Nữ giới có phải đi Nghĩa vụ quân sự không? Họ sẽ làm những việc gì?
-
Người đã đổi thẻ CCCD mốc 60 tuổi có bắt buộc phải đổi sang thẻ Căn cước không?
-
Bảng lương mới nhất của cán bộ lãnh đạo, áp dụng từ sau cải cách tiền lương 2024
-
Tại sao đường ruột khỏe mạnh lại giúp tinh thần thư thái?
-
9 trường hợp CCCD hết hạn sử dụng cần đi đổi trong năm 2024: Nếu không muốn bị xử phạt nặng