Có nên mua chung cư chưa có sổ hồng hay không?

( PHUNUTODAY ) - Có nên mua dạng chung cư chưa có sổ hồng hay không là nỗi băn khoăn của nhiều người vì mua chung cư có số tiền không nhỏ.

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều căn chung cư chưa có sổ hồng được chào bán với giá khá mềm, người có thu nhập trung bình có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, liệu có nên mua dạng chung cư này không là nỗi băn khoăn của nhiều người vì thực ra đó là số tiền không nhỏ. Hãy lắng nghe chia sẻ của chuyên gia trong vấn đề này, cẩn thận kẻo mất tiền oan.

Những rủi ro khi mua chung cư giá rẻ chưa có sổ hồng

mua-chung-cu-chua-so-hong-2

Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư (sổ hồng) là chứng thư pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ sở hữu căn hộ chung cư hợp pháp. Nếu mua phải căn hộ chung cư chưa có sổ hồng, bạn luôn có nguy cơ đối mặt các rủi ro. Đặc biệt, nếu mua căn hộ chung cư tại dự án chủ đầu tư có uy tín thấp thì nguy cơ không có sổ hồng là rất cao.

Đầu tiên phải kể đến rủi ro lớn nhất với người mua là sẽ không được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp căn hộ và quyền sử dụng đất gắn liền với dự án chung cư đó. Vì vậy khi xảy ra các tranh chấp liên quan đến tài sản này sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Người mua cũng dễ gặp rủi ro cao khi giao dịch ở thị trường thứ cấp nếu thỏa thuận dưới hình thức hợp đồng ủy quyền quản lý sử dụng (có công chứng). Loại hợp đồng này chỉ thể hiện quyền quản lý nhà ở chứ không thể thay thế cho hợp đồng mua bán nhà ở. Điều này có nghĩa là từ người chủ thứ cấp (thứ hai trở đi) chỉ được ủy quyền sử dụng căn hộ. Nếu chủ đầu tư cấp sổ đỏ thì người chủ đầu tiên mới là người đứng tên trên giấy tờ. Do đó, chủ đầu tiên có thể không hợp tác sang tên cho chủ mới nhằm đòi tăng giá. Ngoài ra, người nhận chuyển nhượng có thể gặp nhiều rủi ro không lường trước được như hai bên mua bán mất liên lạc với nhau, người bán qua đời hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Những trường hợp này sẽ không thể xác lập được quyền sở hữu trên thực tế của mình đối với căn hộ chung cư đó.

Một bất lợi của chung cư không có sổ hồng đó là trong thời gian chưa có sổ, người mua cũng không thể vay tiền ngân hàng bằng cách thế chấp căn hộ.

Cách thức giảm thiểu rủi ro khi mua chung cư chưa có sổ hồng

+ Trường hợp mua trực tiếp từ chủ đầu tư

Nếu mua căn hộ chung cư chưa có sổ hồng từ chủ đầu tư thì hợp đồng mua bán phải được ký trực tiếp với chủ đầu tư. Nếu thời điểm giao nhà mà chủ đầu tư vẫn chưa ra được sổ hồng thì hợp đồng phải ghi chú lại thời điểm có sổ hồng là lúc nào và hợp đồng này cần phải được công chứng.

Tốt nhất, người mua có thể đàm phán, thương lượng nhằm giữ lại một phần giá trị của căn hộ chung cư, thỏa thuận rõ sau khi nhận sổ hồng thì mới thanh toán toàn bộ số tiền còn lại đó. Với cách này, chủ đầu tư sẽ không thể “đem con bỏ chợ” mà buộc phải có trách nhiệm để sớm có sổ hồng cho người mua.

Bên cạnh đó, người mua cũng cần tìm hiểu uy tín, năng lực của chủ đầu tư, chất lượng căn hộ, lý do tại sao chưa ra được sổ hồng… Các nguồn thông tin có thể tham khảo là báo chí truyền thông, các trang mạng xã hội, diễn đàn bất động sản, nhà đất, chưng cư. Nếu có nhiều thời gian hơn, có thể trực tiếp hỏi người dân trong khu vực, cư dân tại chính dự án đó hoặc bạn bè, người thân am hiểu về lĩnh vực này. Nếu thấy chủ đầu tư uy tín, chất lượng công trình tốt, thời gian bàn giao chưa quá 2 năm, thì cũng yên tâm hơn khi xuống tiền. Ngược lại, nếu các thông tin tìm hiểu được đều mang tính tiêu cực thì cần phải suy xét kỹ hơn việc mua bán.

mua-chung-cu-chua-so-hong-1

+ Trường hợp mua từ chủ đầu tư thứ cấp

Nếu mua nhà chung cư chưa có sổ hồng từ các chủ đầu tư thứ cấp (có chức năng kinh doanh bất động sản), để an toàn, cần mua qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Khi đó, hai bên nên lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại văn phòng công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch.

+ Trường hợp mua từ các hộ gia đình hoặc cá nhân

Nếu mua từ các hộ gia đình hoặc cá nhân, khi công chứng hợp đồng, hãy yêu cầu người bán xuất trình hợp đồng mua bán với chủ đầu tư trước đó để thể hiện tính pháp lí của căn hộ. Nếu như căn hộ chung cư đó đã mua bán lần thứ 3 thì khi công chứng phải xuất trình hợp đồng mua bán lần cuối cùng. Đặc biệt, quá trình mua bán phải được thông qua chủ đầu tư (chủ đầu tư xác nhận đồng ý cho chuyển nhượng), vì có những trường hợp hoạt động mua bán sẽ bị vô hiệu hóa nếu như chủ đầu tư không đồng ý.

Hai bên nên thực hiện giao dịch ở phòng công chứng để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho cả hai bên.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link