Điểm danh 5 thói quen phổ biến gây hại cho sức khoẻ khi đeo tai nghe thường xuyên

( PHUNUTODAY ) - Đối với nhiều người, tai nghe chính là người bạn vô cùng thân thuộc, không thể thiếu giúp thoải mái nghe nhạc khi ở nơi đông người cần sự yên tĩnh. Tuy nhiên với 5 thói quen này sẽ khiến chiếc tai nghe thân thuộc trở thành "sát thủ thầm lặng" đối với sức khoẻ.

Trong cuộc sống ngày càng hiện đại như hiện nay, công việc trở nên bận rộn hơn nên mọi người đều muốn tận dụng thời gian rảnh để có thể giải trí qua màn hình thì việc sử dụng tai nghe đã trở nên vô cùng phổ biến.

Bên cạnh những tiện ích mà tai nghe có thể đem lại như không làm phiền đến mọi người xung quanh, đảm bảo sự riêng tư cá nhân... thì nó cũng gây ra một số tác hại đối với sức khỏe với người sử dụng thường xuyên mà không biết sử dụng đúng cách. Dưới đây là 5 thói quen sử dụng tai nghe bạn nên tránh để không gây ảnh hưởng đến thính giác nói riêng và sức khỏe nói chung.

1. Nhét tai nghe vào sau trong tai

Để tăng sự tập trung, nhiều người thường có thói quen nghe nhạc khi làm việc, học bài, tập luyện,... nhưng lại vô tình nhét tai nghe vào quá sâu trong hốc tai. Có một vài nguyên nhân cho sai lầm này, một phần đó là vì mọi người muốn lắp tai nghe chặt hơn để không bị rơi ra ngoài hoặc ít phải điều chỉnh lại vị trí. Thế nhưng đây lại là thói quen gây hại lớn với hệ thần kinh của người sử dụng. Thói quen này có thể khiến ráy tai bị tích tụ, từ đó làm giảm thính lực và nặng hơn là tai có thể bị viêm nhiễm.

Không những vậy, việc nhét tai nghe quá sâu cũng sẽ khiến màng nhĩ, ống tai bị tổn thương, gây đau nhức. Đặc biệt, khi nghe ở cường độ âm thanh lớn với tai nghe dí sát, trái ngược hẳn với môi trường yên tĩnh xung quanh bên ngoài, thần kinh của bạn có thể bị căng thẳng và khó thích nghi khi tháo tai nghe ra.

2. Đặt âm thanh tai nghe quá lớn

Nếu bạn nghe âm thanh liên tục hàng ngày trên 2 giờ (kéo dài hơn 12 tháng) ở cường độ 85-90 dB thì chắc chắn thính lực của bạn sẽ gặp vấn đề. Vì, tai của chúng ta bình thường chỉ chịu được cường độ âm thanh ở mức 94dB với tần suất là 1 tiếng/ngày và mức 105dB là 4 phút/ngày mà thôi.

Theo các chuyên gia, việc đeo tai nghe liên tục với tần suất âm thanh như vậy có thể sớm khiến bạn mất đi thính lực hoặc gây ra chứng ù tai. Nhất là những bạn trẻ có thói quen muốn tận hưởng những bài hát hoặc đắm chìm trong không gian riêng sẽ rất dễ mắc phải sai lầm này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến màng nhĩ, thính lực mà ngay cả thần kinh cũng bị tổn thương. Vì vậy, khi sử dụng tai nghe bạn không nên bật quá 60% âm lượng để bảo vệ tốt cho đôi tai của mình nhé! 

3. Sử dụng tai nghe quá nhiều và thường xuyên

Bạn có biết rằng, mỗi lần bạn đeo tai nghe sẽ là một lần các tế bào thần kinh trong ốc tai phải làm việc. Và việc sử dụng với tần suất liên tục và thường xuyên sẽ khiến chúng phải hoạt động quá sức, làm giảm thính lực và có thể dẫn tới điếc.

Ngoài ra, đeo tai nghe quá nhiều cũng có thể làm máu và không khí không thể lưu thông, dẫn tới ráy tai tích tụ gây viêm nhiễm, lâu dần sẽ bị mất khả năng nghe. Các chuyên gia khuyên rằng, mỗi ngày bạn chỉ nên nghe bằng tai nghe dưới 2 tiếng và không nghe liên tục 15 phút mỗi lần. 

4. Không vệ sinh tai nghe thường xuyên

Tai nghe sau khi được vệ sinh đúng cách không chỉ giúp cải thiện chất lượng âm thanh, giúp tai nghe bền hơn mà còn có thể giúp bạn tránh nguy cơ mắc bệnh liên quan đến tai. Bởi những bụi bẩn và vi khuẩn bám trên tai nghe lâu ngày sẽ đi vào trong tai và gây ra các bệnh về da, viêm tai giữa hoặc các bệnh liên quan khác. Nếu sử dụng tai nghe có đệm tai bằng da, bạn có thể lau sạch bằng khăn ướt rồi lau bằng chất khử trùng nồng độ cồn thấp. Cuối cùng dùng khăn sạch khô lau lại lần nữa. Nếu đệm tai bằng chất liệu dệt thì có thể vệ sinh bằng bàn chải đánh răng và dung dịch tẩy rửa. Còn đối với những loại tai nghe không dễ dàng vệ sinh bằng khăn thì nên mua que làm sạch chuyên dụng hoặc đem tới cửa hàng làm sạch định kỳ.

5. Đeo tai nghe lúc ngủ

Có không ít người thường có thói quen nghe nhạc, podcast,... để dễ ngủ hơn. Tuy nhiên cũng vì chính những bản nhạc quá du dương đó mà dễ khiến bạn ngủ quên và đeo tai nghe từ đêm tới sáng là điều rất hay xảy ra, gây hại nhiều cho thính giác và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ sau này. Những bộ phận như xương tai hay màng nhĩ thường khá nhạy cảm dễ bị âm thanh kích thích và làm tổn thương tế bào tóc của tai trong. Vỏ não cũng bị kích thích dẫn tới bạn ngủ không sâu giấc và dễ rối loạn thần kinh chứ không hề dễ vào giấc như chúng ta hay nghĩ.

Trong trường hợp nếu nằm nghiêng nghe nhạc thì tai nghe sẽ vô tình bị đè xuống nên càng nén sâu vào tai khiến thính giác, màng nhĩ tổn thương. Tình trạng này lặp đi lặp lại có thể khiến người nghe bị viêm tai hoặc hoại tử rất nguy hiểm.

Tác giả: Minh Hằng