Một số người lao động nếu đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) và lựa chọn chờ đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ được hưởng các quyền lợi dưới đây:
1. Lương hưu hàng tháng khi đủ tuổi
Khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, người lao động có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng.
Căn cứ Điều 56 Luật BHXH năm 2015, mức hưởng lương hưu của người lao động được tính theo công thức sau:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/ thu nhập tháng đóng BHXH
Trong đó, lao động nữ sẽ được hưởng tỷ lệ 55% còn lao động nam sẽ được hưởng 45%.
Nếu chỉ có 20 năm đóng BHXH thì mức hưởng hàng tháng khi nhận lương hưu sẽ khá thấp. Nếu đóng đủ và trên 20 năm, cứ mỗi năm đóng thêm người lao động sẽ được nhận lương hưu thêm 2%. Mức hưởng tối đa đối với cả lao động nam và lao động nữ là 75%.
Tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường theo quy định như sau:
Theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
2. Trợ cấp thất nghiệp
Theo Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng chế độ trong thời gian 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu nộp hồ sơ sau 03 tháng từ khi chấm dứt hợp đồng, người lao động không được hưởng khoản tiền này.
Mức trợ cấp thất nghiệp/tháng = Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%
Trong đó, thời gian được hưởng trợ cấp được tính bằng thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, nếu đóng đủ 12 - 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng 03 tháng trợ cấp. Nếu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp lâu hơn thì cứ đóng đủ thêm 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp người lao động được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp. Thời gian tối đa được nhận bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng.
3. Trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên thì khi nghỉ việc đúng luật, người lao động sẽ có cơ hội được nhận trợ cấp thôi việc.
Tiền trợ cấp thôi việc = 1/2 x Số năm làm việc tính hưởng trợ cấp thôi việc x Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng trước khi thôi việc
Trong đó:
Thời gian tính trợ cấp thôi việc = tổng thời gian làm việc thực tế - Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) - Thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm.
Trong đó tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Đề xuất lương cơ sở tăng năm 2023: Vậy mức lương hưu tối đa người lao động nhận được là bao nhiêu?
-
Người đang hưởng lương hưu 124 triệu đồng/tháng là ai?
-
6 đối tượng được về hưu sớm nhưng vẫn hưởng nguyên lương
-
Đóng bảo hiểm trên 30 năm nghỉ hưu năm 2022 nhận được lương hưu bao nhiêu?
-
Mức hưởng và điều kiện hưởng lương hưu năm 2022 ai cũng cần biết: Chi tiết công thức tính lương hưu đơn giản nhất