Hiện nay, rất nhiều nhiều lao động ở trong trường hợp đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không liên tục, ngắt quãng. Ví dụ: Một người tham gia BHXH được 3 năm sau đó bị ngắt quãng 6 tháng vì nghỉ việc ở công ty và chưa tìm được công việc mới. Sau 6 tháng đó, người lao động tìm được việc mới và tiếp tục đóng BHXH. Trong trường hợp như vậy, nhiều người lao động không biết khi tính chế độ thai sản, lương hưu thì thời gian đóng BHXH có được cộng dồn hay chỉ tính trên tổng số năm đóng liên tục? Việc đóng BHXH ngắt quãng có ảnh hưởng gì tới quyền lời của người lao động không?
Theo Cổng Thông tin Điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Khoản 5 Điều 3 Luật BHXH năm 2014 quy định: "Thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi NLĐ bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng. Trường hợp NLĐ đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH".
Như vậy, thời gian ngắt quảng đóng BHXH sẽ không ảnh hưởng đến tổng thời gian đóng BHXH của người lao động. Thời gian đóng BHXH trước và sau thời gian ngắt quãng sẽ được cộng dồn để làm căn cứ tính chế độ hưởng BHXH và lương hưu sau này.
Riêng với chế độ thai sản, Khoản 1, 2, Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ này như sau:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các Điểm b, c và d Khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Bên cạnh đó, Khoản 1, Điều 9, Thông tư 59/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 hướng dẫn chi tiết về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Như vậy để đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, người lao động cần tham gia BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, 6 tháng này không cần đóng liên tục, có thể ngắt quãng và được cộng dồn.
Tác giả: Thanh Huyền
-
6 ngành nghề khó xin việc nhất trong 5 năm tới
-
Hành trình tìm thấy nhau của hai chị em bị bỏ rơi trong nhà vệ sinh
-
Giá xăng tăng lập kỷ lục mới, vượt 31.500 đồng/lít
-
Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mới nhất
-
Những chính sách mới nhất có hiệu lực từ 6/2022: Khai cấp hộ chiếu phổ thông online; Sử dụng hoá đơn giấy đến 30/6