Đức Phật dạy 4 điều không thể tồn tại vĩnh viễn. Buông bỏ chúng, con người ắt được thảnh thơi hưởng phúc Trời

( PHUNUTODAY ) - Nhân sinh là giấc mộng dài, trăm năm qua đi tựa như chớp mắt và trần gian chỉ là quán trọ ven đường chẳng được lâu bền. Phật gia cho rằng, cõi người chỉ là một chặng nghỉ chân rất nhỏ, rất nhỏ của quãng luân hồi đời đời kiếp kiếp qua đằng đẵng tháng năm.

Thân người hôm nay đắc được, ngày mai chắc gì đã giữ bền lâu? Thế nên, Phật gia cũng khuyên người ta chớ nên chấp nhất, ôm giữ bất cứ điều gì trong cõi trần ai. Tất cả đều là ảo mộng, là bong bóng, sẽ vỡ tan một khi người ta nhắm mắt xuôi tay. Học cách buông bỏ chính là tận hưởng cuộc đời này một cách trọn vẹn nhất.

Đức Phật dạy buông bỏ 4 thứ sau không tồn tại vĩnh cửu trong đời này:

1. Điều tưởng là trường tồn đều vẫn sẽ thay đổi 

Phàm là việc gì trên đời cũng đều không được mãi mãi. Người ta có sinh, lão, bệnh, tử. Trời đất có xuân, hạ, thu, đông. Tiết trời có nóng lạnh. Vạn vật cứ luôn luôn vận động như thế, chẳng bao giờ đứng yên, cũng chẳng bao giờ trường tồn vĩnh cửu.

Đứng trên góc độ khoa học mà xét, cấu tạo bên trong mỗi vật thể đều là từ các phân tử, nguyên tử và những dạng hạt nhỏ hơn khác. Những hạt vật chất ấy là không ngừng chuyển động. Sự vật trước mắt người ta tưởng là đứng im, bất biến nhưng nhìn dưới kính hiển vi lại thấy bề mặt của chúng chuyển động dường như hỗn loạn.

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclitus có một câu nói rất nổi tiếng: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông“. Dòng sông nhìn thì chẳng có gì đổi khác nhưng từng giây, từng phút vẫn đang thay đổi mà chẳng ai hay. Nước đang đổi dòng, phù sa cũng đổi màu, đất đá, cây cỏ dưới lòng sông cũng không còn giống nhau nữa. Đó chẳng phải là người ta đã tắm mình ở hai dòng nước khác nhau đó sao?

Đức Phật dạy buông bỏ 4 thứ không tồn tại vĩnh cửu trong đời này

2. Giàu có không thể vĩnh viễn

Người xưa nói: “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời“, hàm ý sâu xa là thời vận luôn luôn biến đổi, vinh hoa phú quý cũng liên tục đổi dời. Phật gia giảng, tài phú của đời người ở kiếp này chính là phúc báo có được từ kiếp trước. Kiếp trước tích đức, hành thiện, sùng kính Phật, tín ngưỡng Thần thì kiếp này hưởng giàu sang, phú quý.

Vậy nên đừng nhìn nhận một người ở của cải, tài vật mà họ đang có trong tay. Thứ ấy sau trăm năm đều biến thành hư ảo cả. Người ta chết rồi cũng chẳng mang được theo đi. Lúc nhắm mắt, ai cũng chỉ còn hai bàn tay trắng mà thôi. Thế nên mới nói giàu có không thể vĩnh viễn là vậy.

Ở một nghĩa khác, sở dĩ phú quý không thể kéo dài là vì con người thường có lòng tham, không biết điểm dừng. Họ có tiền bạc rủng rỉnh, nhà lầu xe hơi, vợ hiền con đẹp nhưng lại chẳng bao giờ vừa ý, thỏa mãn. Họ dành cả đời này để đuổi theo hư vinh, sự xa hoa, cứ muốn kiếm thật nhiều tiền hơn nữa mãi. Cuối cùng, họ có thể đánh rơi những phẩm giá quý báu nhất của mình, trở nên vị tư, quên cách bố thí, quên cách nghĩ cho người khác. Như vậy, họ sẽ thất đức, bạc tiền có đầy núi, đầy kho rồi cũng tiêu tán cả.

3. Tụ hợp ắt sẽ phải biệt ly 

Đời người quá ngắn, phút giây trùng phùng thật đáng quý. Đáng quý hơn cả là bởi nó sẽ chẳng được bền lâu. Tan tan hợp hợp là lẽ thường của sự đời. Cha mẹ không thể ăn đời ở kiếp cùng ta. Bè bạn dù thân thiết đến mấy nào có khác gì một tầng mây, tụ hồi rồi lại tan đi. Người yêu tuyệt vời, thề nguyện trăm năm rồi một sớm mai cũng khuất mờ theo sương gió…

Trên chặng đường đời của mình, chúng ta sẽ luôn phải đối diện với những cuộc tụ hợp rồi chia ly như thế. Ta sẽ phải kinh qua hết thảy những chén rượu tương phùng cho đến những sân ga tiễn biệt. Mà xét đến cùng tất cả đều không nằm ngoài hai chữ duyên phận:

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Vô duyên đối diện bất tương phùng”

4. Khỏe mạnh đến mấy rồi cũng phải về với cát bụi 

Sức khỏe của người ta chính là thứ không bền vững nhất. Hôm nay trẻ tráng, khí huyết phừng phừng, chí ở bốn phương nhưng rất có thể ngày mai là thân thể còm cõi, tóc bạc da mồi, hít thở còn khó. Vì con người phải đối mặt với sinh, lão, bệnh, tử nên chẳng ai dám nói rằng mình mãi mãi khỏe mạnh.

Cổ nhân cho rằng giàu sang phú quý chẳng quan trọng bằng có sức khỏe tốt. Cho nên trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta thấy người xưa luôn tìm kiếm phép dưỡng sinh, tồn thần dưỡng khí và tu luyện để được trường sinh bất lão. Chính vì họ ý thức được điều ấy, sức khỏe là Trời ban nhưng đến một ngày Trời cũng sẽ lấy đi nó.

Vì sức khỏe là có hạn nên Phật gia giảng rằng người ta phải biết tự ước thúc dục vọng của mình. Mải mê truy cầu, chạy theo dục vọng ắt sẽ tự hại bản thân, sinh mệnh chẳng được lâu dài. Phép dưỡng sinh tốt nhất lại chính là tu dưỡng, tu luyện chính mình. 

Tác giả: Dương Ngọc