F0 tắm, gội đầu khiến SpO2 tụt, bệnh tình chuyển nặng? Chuyên gia phân tích thực hư và chỉ cách tắm đúng

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều F0 tự cách ly điều trị ở nhà không dám tắm gội vì sợ khó thở, bệnh nặng thêm. Vậy các chuyên gia đánh giá vấn đề này như nào, chúng ta hãy cũng tìm hiểu.

Hiện nay, số lương F0 đang tăng cao từng ngày, nhất là ở khu vực miền Bắc. Đặc biệt trong những ngày này, thời tiết giá rét dẫn tới việc nhiều F0 sợ tắm gội vì lo lắng có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm.

Một thành viên có người nhà mắc Covid-19 chia sẻ trên diễn đàn F0 như sau: Người nhà của chị nhiễm SARS-CoV-2 ở ngày thứ 7 với triệu chứng nhẹ (ho, nghẹt mũi). Tuy nhiên tới ngày 8 người thân của chị có đi tắm.

Cụ thể, sau tắm, người này bị sốt lên 38,8 độ, SpO2 giảm 2 ngày liên tục, sau đó còn 90-92 có lúc xuống 88, 89. Bệnh nhân phải nhập viện, trong vòng 2 ngày chuyển nặng liên tục, phải thở oxy, có dấu hiệu "cơn bão cytokine". Thành viên này cũng khẳng định, nhiều người bệnh trong phòng điều trị cũng cho biết, đa số chuyển nặng sau 1 lần tắm.

Một ý kiến khác cũng khẳng định, chồng chị bị sốt 39-40 độ sau khi đi tắm và trở nặng hơn. Thành viên khác cũng đồng tình, sau khi tắm chị ho nhiều, SpO2 tụt xuống 86, phải thở oxy.

Nhiều người cho rằng, F0 vệ sinh thân thể bệnh nặng vì nhiều lý: nước lạnh làm cơ thể yếu hơn, trúng "phong hàn" (gió lạnh), cơ thể đang bệnh dễ cảm nhiễm ngoại tà...

Liên quan tới vấn đề này, rất nhiều chuyên gia, bác sĩ hàng đầu đã chia sẻ như sau:

BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khẳng định: "F0 kiêng tắm là quan niệm sai lầm. Thời tiết miền Bắc đang lạnh, người bệnh có thể tắm bằng nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bệnh (không ngâm toàn thân trong bồn tắm). Sau đó, chúng ta mặc đồ luôn trong phòng tắm, không để tình trạng ra khỏi phòng mới mặc đồ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột”

Lưu ý sau tắm gội nên lau khô thân thể và tóc bằng khăn bông hoặc sấy tóc, tránh dùng quạt hay đứng nơi có gió để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn.

Theo bác sĩ Khanh, cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ, mất mất vệ sinh, ngứa ngáy gây ra tình trạng khó chịu, mất ngủ khiến bệnh nặng thêm. Khi cơ thể mải mê tấn công với virus sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn khác tấn công. Việc có thể không được vệ sinh còn làm tăng nguy cơ bội nhiễm các vi khuẩn.

Việc tắm gội giúp giải phóng các tế bào da chết làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ.

Ở nhiều bệnh viện khoa ICU vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu.

Để tránh biến chứng, khi tắm cần tắm bằng nước ấm, tắm nhanh nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.

Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3 cho biết:

Quan niệm F0 không nên tắm gội chưa phù hợp cả về khoa học và lý luận học cổ truyền.

Trong giai đoạn bệnh toàn phát, người bệnh cần phải chú trọng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống dinh dưỡng, không vận động quá mạnh, có thời gian dưỡng bệnh và phục hồi.

Phải chú trọng vấn đề vệ sinh thân thể. Người bệnh có thể vệ sinh thân thể với nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bệnh (không ngâm toàn thân trong bồn tắm). Gội đầu với nước ấm. Sau tắm gội nên lau khô thân thể và tóc bằng khăn bông, tránh dùng quạt, đứng nơi có gió để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn. Thời gian tắm gội không nên quá lâu (chia tắm và gội vào thời gian riêng), vệ sinh vào buổi sáng hoặc chiều sớm và tránh ban đêm.

Uống một ly nước ấm trước khi tắm gội để đảm bảo cơ thể không mất nước. Vệ sinh trong ăn uống và vệ sinh thân thể giúp bạn mau hồi phục, kiêng khem thái quá sẽ rước thêm bệnh.

TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện (bác sĩ tư vấn cho nhiều F0 điều trị tại nhà) cũng cho hay, F0 không cần phải kiêng tắm gội hoàn toàn. Người bệnh nên tắm bằng nước ấm. Thời gian tắm gội không nên quá lâu, người bệnh nên tắm vào buổi sáng hoặc chiều sớm và tránh ban đêm, tránh tắm lúc đang sốt.

"Vệ sinh sạch sẽ chính là cách tốt để phòng Covid", TS.BS Dương Văn Trung nói.

F0 điều trị tại nhà lưu ý, ngoài vệ sinh cơ thể cần phải lưu ý vệ sinh trong ăn uống, phòng ở nhằm tạo không gian sạch sẽ, thông thoáng.

Về dinh dưỡng cần ăn uống đủ chất, giữ tinh thần thoải mái và tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn mau hồi phục, kiêng khem thái quá, tạo tâm lý lo lắng sẽ rước thêm bệnh.

Trong quá trình điều trị cần phải nghe ngóng cơ thể, khi xuất hiện các triệu chứng nặng thì cần phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị tích cực.

Tác giả: Thạch Thảo