F0 có triệu chứng nhẹ nhưng hậu Covid-19 rất nguy hiểm
Bà Nguyễn Thị N., 66 tuổi, sống tại Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) trong tình trạng suy hô hấp, suy tim toàn bộ, viêm phổi, tắc động mạch phổi, suy thận, rối loạn dinh dưỡng nặng, rung nhĩ, rối loạn chuyển hóa nặng.
Qua khai thác bệnh sử, trước đó, bà N. từng mắc Covid-19 thể nhẹ 5-6 tuần. Tuy nhiên, sau khỏi bệnh, bà xuất hiện tình trạng khó thở, phù chi, được chẩn đoán mắc hội chứng hậu Covid-19.
Bệnh nhân hiện vẫn đang trong tình trạng nặng, phải theo dõi mặc dù đã cải thiện hơn nhiều so với trước lúc nhập viện. Bà đã có thể ngồi dậy, bắt đầu tập vận động trong phòng.
BS khuyến cáo thấy những "báo động đỏ" sau đây cần nhập viện ngay
Khuyến cáo triệu chứng hậu Covid-19 cần nhập viện để điều trị Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, phụ trách phòng khám hậu Covid-19 (khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị) cho biết, một tháng qua, có khoảng 100 người bệnh đến khám hậu Covid-19. Trong đó, 25% người mắc triệu chứng nặng, phải nhập viện. Trong khoa hiện điều trị 25 bệnh nhân.
Theo bác sĩ Oanh, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng mạnh sau Tết Nguyên đán, nên tỷ lệ người mắc hậu Covid-19 cũng tăng theo. Trước đây, bệnh nhân khỏi Covid-19 chỉ cảm nhận được mình mắc "hội chứng gì đó", nhưng thời điểm này, họ mới nhận thức rõ đó là di chứng hậu Covid-19 kéo dài.
Tim mạch là một trong những cơ quan gặp biến chứng sau Covid-19, nhẹ thì mệt mỏi, khó thở, co thắt ngực, nhưng nếu nặng có thể viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim, đột tử.
Những triệu chứng hậu Covid-19 có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, gồm mệt mỏi, mất ngủ, ho kéo dài, nặng là khó thở, đau ngực, SpO2 giảm, ý thức giảm đột ngột, yếu chân tay. Người bệnh khỏi Covid-19 từ 4-5 tuần, nếu các triệu chứng cấp tính của bệnh không giảm hoặc xuất hiện triệu chứng mới, cần đến bệnh viện thăm khám ngay.
Theo bác sĩ Oanh, những trường hợp hậu Covid-19 nhẹ sẽ được bác sĩ kê đơn về theo dõi tại nhà, nặng sẽ phải nhập viện điều trị.
Nữ bác sĩ cảnh báo tình trạng nguy hiểm khi người bệnh tự ý sử dụng các bài thuốc tràn lan trên mạng xã hội để chữa hậu Covid-19. Những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể tổn thương các tạng, cơ quan. Ngoài ra, các triệu chứng hậu Covid-19 không được phát hiện sớm và kịp thời, nên người bệnh thường nhập viện trong tình trạng nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị.
PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng cho biết, trẻ em mắc Covid-19 triệu chứng không nặng. Những trường hợp đã tiêm vắc xin, tỷ lệ triệu chứng nặng giảm mạnh và bệnh nhân gần như phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là trẻ em.
“Mặc dù tỷ lệ rất rất nhỏ trẻ nhiễm SARS-CoV-2 xuất hiện dấu hiệu nặng, nhưng các phụ huynh không nên chủ quan, mà phải quan tâm đến triệu chứng đường hô hấp của trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ mà uống thuốc hạ sốt 2 lần không hạ thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để có sự hỗ trợ. Phải quan tâm đến nhịp thở của trẻ như: Trẻ dưới 12 tuổi nhịp thở phải trên 30 lần/phút, trẻ vài tháng đến 1 tuổi nhịp thở phải trên 60 lần. Mẹ không biết đếm nhịp thở của con thì nhìn thấy con có cánh mũi phập phồng, lồng ngực co kéo, thở dốc, quấy khóc thì phải liên hệ với y tế cơ sở để có sự hỗ trợ sớm nhất. F0 điều trị tại nhà hiện rất lớn, trong đó có trẻ em, nên vai trò của người thân chăm sóc trẻ nhỏ rất quan trọng”, PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng cho biết.
Hậu Covid-19 là vấn đề sức khỏe được người dân quan tâm, lo lắng, nhất là những bệnh nhân vừa hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh. Để sức khỏe được quản lý tốt nhất, sau mắc Covid-19 người dân nên đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế để được theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe một cách toàn diện.
Nếu xuất hiện các triệu chứng hô hấp ở hội chứng hậu Covid-19 (khó thở, ho kéo dài, đau ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực,…) thì việc đến khám tại các cơ sở y tế sẽ giúp phát hiện sớm và xử lý sớm những di chứng phổi sau Covid-19.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược tiếp cận toàn diện về đánh giá và chăm sóc tình trạng hậu Covid-19 cho người bệnh cũng như cần phối hợp đa chuyên khoa trong quản lý, điều trị và theo dõi bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 do tổn thương đa cơ quan. Đặc biệt cần chú ý phục hồi chức năng sớm nhất có thể và thích hợp.
Hậu Covid gây biến chứng nặng nề ở nhiều cơ quan, hệ cơ quan
Không chỉ những người cao tuổi có bệnh lý nền mà ngay cả những bệnh nhân cao tuổi (trên 60 tuổi) không có bệnh lý nền và bệnh nhân trẻ mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng sau khi nhiễm đều có thể gặp phải biến chứng nặng nề ở nhiều cơ quan, hệ cơ quan.
Cụ thể:
- Hô hấp: Khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng có thể xuất hiện và kéo dài; ho kéo dài; đau ngực; giảm chức năng hô hấp (khả năng hít thở, khả năng gắng sức); có thể tiến triển sang tổn thương xơ phổi.
- Tim mạch: Tổn thương cơ tim (viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim); nhịp nhanh; hồi hộp đánh trống ngực; khó thở khi gắng sức.
- Tâm - Thần kinh: Tai biến mạch não; suy giảm nhận thức; trầm cảm; rối loạn lo âu; stress.
- Cơ - xương - khớp: Mệt mỏi, đau mỏi cơ, yếu cơ…
- Các cơ quan khác: Suy thận, rối loạn đông máu, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa, dinh dưỡng...
Đối với người bệnh sau nhiễm Covid-19 dù khi mắc có hay không có triệu chứng vẫn nên đi khám, kiểm tra để phát hiện sớm các tổn thương để có kế hoạch hỗ trợ, can thiệp kịp thời tránh để lại di chứng.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Lịch đến trường mới nhất của 63 tỉnh, thành: Nhiều nơi cho học sinh tạm dừng học trực tiếp vì F0 tăng nhanh
-
Nhà nhà mua sả gừng về xông cho F0 mau khỏi: Chuyên gia chỉ mặt trái, có thể làm virus lây lan nhanh hơn
-
4 dấu hiệu chứng tỏ F0 suy giảm sức đề kháng sau khi khỏi bệnh: Chuyên gia chia sẻ cách phục hồi nhanh
-
6 loại quả đứng đầu 'bảng vàng' bổ dưỡng cho F0, tăng đề kháng, đào thải nhanh virus khỏi người
-
Tràn lan F0, nhiều người muốn thả cho 'xong sớm nghỉ sớm': Chuyên gia chỉ lý do tuyệt đối không nên