"Gà trống" nuôi hai con teo não chối chưa từng nói vợ cũ bỏ con - trái ngược lời trên sóng truyền hình

( PHUNUTODAY ) - Anh Đặng Hữu Nghị, người cha một mình nuôi hai con bị bại não, chối mình chưa bao giờ nói vợ cũ bỏ con, tất cả là sự hiểu nhầm dù trước đó, trên sóng truyền hình anh đã nói điều ngược lại.

Sáng 18-5, trước cơn bão dư luận đang đổ dồn về phía mình, cho rằng mình là người mẹ nhẫn tâm bỏ con, chị Đoàn Thị Huyền, mẹ của hai đứa bé bị teo não đã lên tiếng khẳng định mình không hề bỏ con.

"Gà trống" nuôi hai con teo não chối chưa từng nói vợ cũ bỏ con. 

Trong cuộc gặp với người vợ cũ, chính anh Đặng Hữu Nghị cho biết bản thân mình không hề nói vợ bỏ con. "Tôi chưa bao giờ nói vợ bỏ con, chỉ nói chúng tôi đã ly dị. Tất cả chỉ là hiểu lầm... Người ta nói vợ bỏ đi theo người khác là việc của người ta, tôi không biết", anh Nghị cho biết.

"Tôi muốn nói một lần cho rõ ràng, để sau này tôi đi bán, để người ta không còn đánh tôi nữa..." anh Nghị khóc và cho biết.

Giải thích về tấm ảnh chiếc xe bán kẹo có treo tấm bảng "Người cha tội nghiệp bị vợ bỏ nuôi 2 con tật nguyền" anh Nghị cho biết mình là người thất học, chỉ đăng theo tựa một bài báo mà không được ai tư vấn gì, không nắm được bài báo viết gì?.

Chị Đoàn Thị Huyền, vợ cũ anh Nghị và mẹ của hai đứa con bị tật nguyền. 

Cho biết lý do vì sao những ngày qua dù được nhiều người giúp đỡ nhưng vẫn đẩy 2 con đi bán kẹo kéo, anh cho biết: "vì 2 con tôi thích như vậy". Ngoài ra theo anh, việc đưa hai bé ra đường cũng giúp con có tin thần thoải mái hơn.

Đáng chú ý, về chi tiết dù có nhiều người giúp đỡ nhưng lại nói không có áo quần đi diễn khi lên sóng trong một chương trình truyền hình, anh Nghị khẳng định mình không có một bộ đi diễn mà chỉ có áo quần lao động, phải thuê áo vest chứ không phải không có quần áo như mọi người đã nghĩ. Tuy nhiên sau đó, ekip thấy không phù hợp nên một người trong êkip đã cho anh mượn áo. "Người ta cho mình mượn thì tôi đi mượn. Khi MC giới thiệu như vậy chứ mình không hề nói. Chương trình lên nói sao là quyền của người ta, mình không thể nói được.", anh Nghị nói. "Trên sóng truyền hình người ta nói thế này thế kia, họ bức xúc thì họ nói vợ bỏ đi theo trai vì quá thương cha con. Họ đâu có biết hoàn cảnh thực sự của mình."

Khi đối mặt với người vợ cũ, sau một hồi loanh quanh anh Đặng Hữu Nghị bỗng rớt nước mắt hối hận nói: "Tôi xin lỗi mạnh thường quân, nhà hảo tâm và người vợ cũ của tôi".

Vậy là, sự thật cũng được phơi bày. Và để mọi chuyện đến cơ sự như hôm nay, anh Nghị thừa nhận là do lỗi nhận thức của mình. Có thể anh ta thấy rằng, từ hoàn cảnh của mình chỉ cần tô vẽ vài điểm cho thêm bi thương mà kiếm được thêm tiền, lay động được lòng trắc ẩn của nhiều người khác mà chẳng chết ai nên cứ làm. Anh Nghị còn có một chỗ dựa vững chắc nữa chính là truyền thông. Truyền thông đã giúp cho hoàn cảnh của cha con anh được nhiều người biết đến và anh cũng nhận được nhiều hơn sự giúp đỡ, cảm thông của cộng đồng.

Trong câu chuyện này, anh Nghị vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Đáng trách vì anh đã thêu dệt cuộc đời mình một cách bi đát để kiếm tìm lòng thương, đem con tàn tật để mưu sinh, bán danh dự của vợ để có sự thương hại. Nhưng anh cũng thật đáng thương vì cha con anh đang thực sự bất hạnh, gia cảnh của anh cũng thật éo le.

Sau tất cả, người đáng trách hơn nữa chính là phóng viên, nhà báo, ê kíp thực hiện chương trình đã chưa làm hết trách nhiệm của mình, mới nghe một chiều, không tìm hiểu kỹ bản chất sự việc. Từ một câu chuyện được phán ảnh chưa đúng bản chất đã khiến xã hội đảo điên, người được tung hô, che chở; kẻ thì bị nhiếc móc, xúc phạm. Đáng buồn hơn là niềm tin xã hội bị lung lay. Nhiều người có lòng tốt cũng cảm thấy mông lung, lo lắng, vì giờ muốn làm việc tốt cũng khó quá bởi lòng tốt đã bị người khác lợi dụng.

Chúng ta cũng đã từng chứng kiến những câu chuyện lấy không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả trong một số chương trình truyền hình thực tế. Nhưng cuối cùng những gì xuất hiện trên màn hình mới chỉ là một nửa sự thật.

Người cha nuôi hai con bị bại não, do nhận thức đã trượt dài theo lời nói dối. Nhưng nguyên do của mọi việc xuất phát từ trách nhiệm của người làm truyền thông. Nghề nào cũng có những tai nạn và không ai nói trước được mình sẽ không bao giờ gặp những tai nạn ấy. Giá như, chỉ cần một cuộc điện thoại xác minh lại câu chuyện của anh Nghị trước khi được phát sóng thì mọi chuyện đã khác.

Tác giả: Vân Tiên