Giọng ca của người cha nuôi hai con teo não khiến Cẩm Ly, Trấn Thành, Ốc Thanh Vân khóc nức nở

( PHUNUTODAY ) - Giọng hát của người cha "gà trống" nuôi hai con mắc bệnh teo não trong "Hát mãi ước mơ" đã khiến Trấn thành, Cẩm Ly xúc động rơi nước mắt.

Anh Đặng Hữu Nghị đã sống trong cảnh “gà trống” nuôi hai con mắc bệnh teo não từ nhiều năm nay. Làm cha mẹ ai chẳng mong được chào đón những đứa con lành lặn, khỏe mạnh. Anh Nghị đã từng khóc hết nước mắt vì cuộc đời quá bất công khi hai con anh không được may mắn như những đứa trẻ khác. Đau đớn hơn, anh bị người đời khinh khi, miệt thị vì cho rằng anh ăn ở không tốt nên mới gặp hoàn cảnh như vậy.

Giọng ca của người cha nuôi hai con teo não khiến Cẩm Ly, Trấn Thành, Ốc Thanh Vân khóc nức nở

Nỗi đau như nhân lên gấp bội khi vợ của anh vì không chịu nổi nghịch cảnh nên đã “dứt áo ra đi”, bỏ lại hai đứa con bệnh tật. Còn với anh: “Con tật nguyền, mẹ bỏ đi rồi, cha bỏ đi nữa sao đành tâm…Liệu làm như thế có vui, có thanh thản nổi không?”…đó là câu hỏi anh vẫn luôn tự vấn bản thân mình.

Vượt lên nỗi đau, anh không nề hà bất cứ công việc gì để có tiền chăm sóc cho hai đứa con bệnh tật. Miếng cơm kiếm được đã khó, việc nuôi hai con nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo còn cực nhọc gấp bội. Lớn lên, hai đứa trẻ quậy phá, khi nổi nóng lại trở nên hung dữ, đánh cả anh. Dù cực khổ, mệt mỏi và nỗi đau trĩu nặng nhưng anh không muốn nhốt con vì anh sợ bệnh tật của lũ trẻ lại càng trầm trọng hơn.

 

Cuộc sống của anh Nghị và hai con cứ diễn ra, không lối thoát. Niềm vui duy nhất trong cuộc sống chính là khi anh hát, bọn nhỏ tỏ ra rất vui, tính cách dịu lại và đó là những khoảnh khắc quý giá hiếm hoi của ba cha con.

Đến với "Hát mãi ước mơ", anh chia sẻ mình muốn hát cho hai con nhỏ bằng niềm tin và nghị lực. Anh chọn bài hát "Gà trống nuôi con" của tác giả Phi Bằng như thay lời muốn tâm sự của trái tim vốn nhiều nỗi đau thương chằng chịt.

“Đành lòng gà trống nuôi con, sao em nỡ bỏ con cho đành”

Câu hát đầu tiên cất lên ngay lập tức khiến cả khán phòng bật khóc nức nở. Ngay sau ca khúc, Trấn Thành, Cẩm Ly lao ngay lên sân khấu ôm chặt lấy anh, bắt tay đầy tình cảm.

Bản thân Cẩm Ly cũng là một người mẹ, hơn ai hết chị hiểu được cảm giác nuôi con cực nhọc ra sao. Cũng vì lẽ đó mà chị đã rơi nước mắt, nghẹn cảm chia sẻ: “Trước nay chỉ nghe cha bỏ con, mẹ không bao giờ bỏ con hết mà anh lại làm được những điều phi thường”.

Trong xã hội ngày càng trở nên thực dụng, anh Nghị quả thực đem lại hình ảnh vô cùng đáng quý, đáng kính trọng. Cho dù kết quả có như thế nào, người cha luôn lạc quan, hát cho con với một phong thái điềm tĩnh, không đầu hàng trước số phận chắc chắn sẽ khiến trái tim khán giả một lần nữa thổn thức.

Xuất sắc vượt qua vòng đầu tiên, anh Nghị tiếp tục vượt qua vòng thi thứ hai với ca khúc Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa và giành chiến thắng chung cuộc trước chàng sinh viên khiếm thị Tài Lộc với bài hát Tình cha.

Giành được 50 triệu đồng nhưng điều quý nhất mà anh Nghị đã mang đến chương trình chính là nỗ lực phi thường của một người cha không bao giờ từ bỏ trước bất cứ hoàn cảnh nào vì gia đình mình.

Không nỡ bỏ con

Năm 2004, vợ chồng anh Nghị vui mừng khôn xiết khi chào đón đứa con trai đầu lòng. Anh chị đặt tên con là Đặng Hữu Toàn, Toàn sinh ra chỉ nặng 2kg nên nhận được sự quan tâm đặc biệt từ ba mẹ. Trong 2 năm đầu tiên, bé có nhiều biểu hiện lạ như không tăng cân, đầu bé, hay sốt và quấy khóc.

Anh Nghị tất tả bế con đi khắp các bệnh viện ở Huế, vào đến bệnh viện Trung Ương, anh nhận tin sét đánh là con bị bại não bẩm sinh, có lớn mà không có khôn. Chưa thể tin vào sự thật đang diễn ra trước mắt, anh Nghị lại tiếp tục đưa con ra Hà Nội, tìm đến các bệnh viện lớn nhỏ để thăm khám. Đáp lại những nỗ lực ấy là cái lắc đầu bất lực của các bác sĩ. Lúc này, vợ chồng anh mới chấp nhận sự thật đã sinh ra đứa con tật nguyền.

“Nhìn đứa con càng ngày càng lớn nhưng không có nhận thức, ú a ú ớ như người mất hồn, tay chân cứ mãi nhỏ bé, vợ chồng tôi khóc hết nước mắt. Hàng xóm bắt đầu đồn thổi do vợ chồng tôi ở ác, kinh tế gia đình cùng suy sụp vì chữa trị cho con.” – anh Nghị nhớ lại.

Không tính sinh thêm con nhưng vì vỡ kế hoạch nên vợ chồng anh Nghị đón đứa trẻ thứ 2 chào đời vào năm 2007. Lại một bé trai và lại… giống bé trước. Đến lúc này, cả 2 vợ chồng chỉ biết gục đầu vào nhau mà than khóc, kêu trời không thấu. “Cứ tưởng đứa thứ 2 sẽ lành lặn, xem như món quà đền đáp, nhưng thật không ngờ… Một người con đã không thể chạy chữa được, giờ thêm đứa nữa, lấy tiền đâu ra mà nuôi?” - anh Nghị kể lại trong xúc động.

Hai đứa trẻ càng ngày càng lớn nhưng không nói được, chỉ ú ớ quẫy đạp, phá phách không yên, vợ chồng chị nhìn nhau, cắn răng cày cuốc cơm cháo nuôi con qua ngày. Năm 2010, anh Nghị quyết định bồng bề vợ con vào Nam sinh sống, tìm kiếm cơ hội chữa trị cho 2 con. Anh và vợ thuê tạm căn nhà nhỏ, ngày ngày thay nhau người đi bán vé số, người ở nhà trông con.

Được vài tháng, thấy cuộc sống cơ cực, vợ chồng anh lại về quê kiếm kế mưu sinh. Năm 2012, vì không thể hòa giải được mẫu thuẫn cá nhân mà vợ chồng anh Nghị quyết định ly hôn. Vợ anh nhận nuôi đứa nhỏ, phần anh đứa lớn. Năm 2013, anh lại bồng con Nam tiến tìm cách làm ăn, sống qua ngày. Bản thân bị gai cột sống nặng nên anh Nghị không làm được việc nặng, hằng ngày, anh nhận ít vé số rồi bồng con dạo khắp các quán nhậu, quán ăn ở Sài Gòn để chào bán những tấm vé số với số tiền lời ít ỏi.

“Nó không nói được nhưng vẫn có cảm xúc”

Cuộc sống của anh Nghị rơi vào tận cùng bế tắc và thiếu thốn khi vợ anh quyết định giao luôn đứa nhỏ cho anh. Nhiều đêm nằm trăn trở, anh Nghị có ý định bỏ con ở ngôi chùa nào đó rồi bỏ đi biệt xứ. Ý định ấy chưa kịp thực hiện thì nhiều đêm anh nằm mơ thấy các con anh bị người ta đánh đập dã man, khóc thét và chạy đến ôm chầm lấy anh. Choàng tỉnh, anh biết dự định của mình sẽ không bao giờ thực hiện được vì “con tôi, chúng nó có cảm xúc, vẫn biết thương cha nó”.

Cơ thể hai đứa trẻ yếu ớt thường xuyên bị đau ốm khi ở ngoài nắng quá lâu, hay đi về đêm khuya quá lạnh. Anh Nghị lại không nỡ gửi con cho ai vì biết chúng quấy hơn những đứa trẻ bình thường khác. Mỗi tuần anh chỉ bán chừng 3-4 buổi, từ lúc mặt trời vừa tắt đến khoảng 10h thì về. Thời gian còn lại, anh ở nhà chăm con.

Mọi sinh hoạt từ cơm nước, giặt giũ, sinh hoạt cá nhân của con, một tay anh Nghị phải lo lắng, chăm bẵm. Hai đứa con anh tuy đã lớn nhưng vẫn chưa thể nói chuyện, riêng thằng nhỏ thì liên tục tự đánh vào mặt, đánh vào những thứ mà nó nhìn thấy và thậm chí là ăn bất kì thứ gì cầm được trên tay.

“Thấy con tự đánh vào mặt mình đến đỏ tấy mà tôi xót ruột lắm, tôi nhìn con bất lực vì không thể hiểu được con muốn gì. Phận làm cha như tôi thật đánh trách, tôi càng thương con và quyết sẽ không bao giờ xa con nửa bước” – anh Nghị nghẹn ngào.

Anh đóng một cái cũi khá rộng để mỗi lần đi bán vé số, đi bán kẹo mút sẽ đưa 2 con theo cùng. Đứa lớn ngồi im re nghịch đồ chơi, đứa nhỏ vịn tay vào thanh gỗ, miệng cười hề hề, một tay anh Nghị kéo xe cũi lê lết khắp các hàng quán mời chào. Cảnh tượng ấy khiến nhiều người xót xa, họ mua ủng hộ anh vài cây kẹo, có khi cho thêm dăm ba đồng, nhắn nhủ cho 2 đứa trẻ ăn ngon.

Anh Nghị tâm sự: “Cũng là trẻ con nên 2 cháu nhà tôi thích gấu bông lắm, mỗi lần đi ngang qua cửa hàng gấu bông là chúng nó cứ reo hò thích thú. Cố gắng dành dụm cả tuần đi bán, tôi mua được cho 2 cháu con gấu bông khá to. Nhìn con ôm gấu với vẻ mặt hạnh phúc mà người làm cha như tôi cũng thấy được bù đắp phần nào”.

Anh Nghị cho biết, dù 2 con không đứa nào nói được nhưng chúng vẫn biểu lộ cảm xúc thương cha. Mỗi lần mệt mỏi vì công việc và con quấy khóc không yên, anh nhìn vào mặt 2 đứa nhỏ, miệng nói: “Con không thương ba hả, ba bỏ đi nghe, ba không nuôi con nữa”, thì cả Toàn và Tùng đều ôm chầm lấy anh, hôn lên tóc anh.

Khi được hỏi về điều mong mỏi nhất cho con lúc này, anh Nghị rơm rớm nước mắt: “Tôi chỉ mong sao 2 đứa khỏe mạnh, đừng đau ốm. Nếu được, tôi ước một ngày được chở con đến trường như những người cha khác. Và cũng mong xã hội đừng hiểu lầm tôi, nói Toàn và Tùng không phải con tôi, để tôi có thêm nghị lực kiếm tiền nuôi các con”.

Tác giả: Vân Tiên