Học người Nhật cách tiết kiệm tiền để làm chủ tài chính

( PHUNUTODAY ) - Nếu biết cách tiết kiệm của người Nhật hẳn nhiều người sẽ muốn học theo vì tính ứng dụng rất cao.

Phương pháp Kakeibo

Kakeibo là sổ chi tiêu tài chính, người Nhật dùng nó để ghi chép chi tiêu nhằm theo dõi và kiểm soát thu nhập, chi phí hàng tháng. Đây là phương pháp do Motoko Hani sáng tạo ra vào năm 1904. Sau đó, nó trở thành cách tiết kiệm tiền truyền thống của người Nhật nổi tiếng đến tận ngày nay.

Cơ chế hoạt động của Kakeibo theo một chu trình gồm 4 câu hỏi: Bạn có bao nhiêu tiền? Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền? Bạn sẽ tiêu bao nhiêu tiền? Bạn sẽ làm gì để cải thiện?

Những câu hỏi này nhằm khai thác tài chính cá nhân hiện tại như thế nào, mục tiêu tiết kiệm ra sao để từ đó đưa ra giải pháp cải thiện phù hợp nhất. Việc mở sổ Kakeibo nên được bắt đầu từ đầu tháng và tổng kết vào cuối tháng để có kết quả chính xác nhất.

Để thực hiện phương pháp này chỉ cần dùng một quyển sổ ghi chép các khoản thu chi và trả lời chính xác 4 câu hỏi trên. Liệt kê càng chi tiết thì quản lý càng dễ dàng.

Phương pháp Konmari – loại bỏ đồ không cần thiết

Cách tiết kiệm này lấy cảm hứng từ việc dọn dẹp và loại bỏ những vật dụng không cần thiết trong nhà của chuyên gia nội thất Marie Kondo.

Nguyên tắc của phương pháp này là chỉ giữ lại những đồ vật mang lại niềm vui và vứt bỏ những thứ không làm họ hạnh phúc.

Theo đó, mỗi người có thể tiết kiệm tiền bằng cách sắp xếp đồ theo các danh mục cụ thể như quần áo, giày dép, sách,… và xem xét giữ lại các đồ vật cần thiết đồng thời vứt bỏ những thứ không sử dụng nhiều. Tiếp đến xếp gọn gàng những thứ giữ lại vào những nơi dễ tìm, để có thể nhanh chóng tìm ra và sử dụng.

Phương pháp này giúp mọi người có lối sống tối giản hơn, loại bỏ những vật dụng bị lãng quên/không sử dụng đến. Như vậy sẽ giúp tiết kiệm tiền một cách đáng kể trong tương lai.

Xây dựng thói quen tiết kiệm từ nhỏ cho trẻ

Theo quan điểm của người Nhật thì việc tiết kiệm từ nhỏ sẽ giúp trẻ có tư duy tài chính sớm và chuẩn bị cho tương lai tốt hơn. Người Nhật sẽ cho trẻ tự quản lý tiền bằng cách đưa một khoản tiền túi nhất định mỗi tuần hoặc mỗi tháng để trẻ tự quyết định cách sử dụng. Điều này giúp trẻ học cách lập ngân sách, phân bổ tiền cho các khoản chi phí khác nhau và tiết kiệm cho những điều mình muốn.

Bên cạnh đó, thay vì giữ tiền cho trẻ, cha mẹ Nhật Bản mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng cho trẻ hoặc khuyến khích trẻ cất tiền vào lợn tiết kiệm mỗi ngày. Như vậy trẻ có thể tích luỹ được một khoản tiền lớn hơn và nhận được lãi suất từ ngân hàng hoặc sự động viên từ gia đình.

Tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày

Việc tiết kiệm tiền sẽ hiệu quả hơn nếu biết kiểm soát các khoản chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày. Người Nhật thường tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt bằng cách như: tiết kiệm khi mua sắm nhu yếu phẩm, tiết kiệm chi phí ăn uống, tiết kiệm điện – nước sinh hoạt, sử dụng phương tiện công cộng.

Gửi tiết kiệm ngân hàng

Xu hướng gửi tiết kiệm ngân hàng của người Nhật lên đến 17-20% thu nhập. Đây là mức tiết kiệm cao nhất thế giới. Nhờ thói quen tiết kiệm phần lớn thu nhập của người dân đã giúp chính phủ Nhật có thể dùng làm nguồn vốn quan trọng nhằm tạo ra nền kinh tế quốc gia được tái đầu tư và phát triển.

Việc gửi tiết kiệm ngân hàng là một hình thức gửi tiền an toàn, sinh lời cao từ nguồn tiền nhàn rỗi. Chi tiêu hợp lý để tích luỹ ngay từ bây giờ là giải pháp giúp mỗi cá nhân từng bước tự chủ tài chính trong tương lai.

Tác giả: Trần Thu Thủy