Hương vị khó quên từ xứ Nghệ: Đặc sản bình dị mà gây sốt với tên gọi độc lạ khiến ai cũng mê mẩn

( PHUNUTODAY ) - Bạn có biết món ăn dân dã ngày xưa của người Nghệ An nay đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi? Với cái tên độc đáo và hương vị hấp dẫn, món ăn này đã chinh phục biết bao thực khách.

Ngoài món lươn đồng trứ danh, xứ Nghệ còn được biết đến với một đặc sản mang tên độc đáo: nhút. Món ăn này đã đi vào ca dao, tục ngữ dân gian từ bao đời nay: "Ai về ăn nhút Thanh Chương/ Dừng chân nếm thử vị tương Nam Đàn".

Nhút được chế biến từ những nguyên liệu hết sức giản dị, nên trước kia thường được gọi là món ăn của người nghèo. Người dân Thanh Chương kể rằng, vào những thời kỳ thiếu thốn, khi trong nhà không còn lúa gạo, các bà các mẹ đã nghĩ ra cách muối mít để có thể ăn quanh năm. Từ đó, nhút ra đời, trở thành món ăn gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ.

Nhút được chế biến từ những nguyên liệu hết sức giản dị, nên trước kia thường được gọi là món ăn của người nghèo

Nhút được chế biến từ thành phần chính là quả mít non. Việc chọn lựa quả mít để làm nhút là một bước quan trọng, quyết định chất lượng của món ăn. Những quả mít phải có vỏ xanh, không quá non cũng không quá già. Nếu mít quá non, nhút sẽ không đạt được độ ngon, còn nếu quá già, nhút sẽ trở nên dai và quá ngọt.

Quả mít sau khi được gọt vỏ, loại bỏ hạt, sẽ được thái mỏng và ngâm trong nước gạo để giữ màu trắng. Sau một ngày, mít được vớt ra, trộn đều với các loại lá gia vị và bắt đầu quá trình muối. Tùy khẩu vị của từng gia đình, có thể thêm ớt, mía, lá gừng hay củ sả, và đổ nước ngập mít. Quá trình muối nhút phải được nén chặt bằng phên tre và chặn gạch để nhút không nổi lên mặt nước, tránh bị chuyển màu thâm đen. Sau khoảng 5 ngày, nhút sẽ có màu trắng nõn và thơm ngon, sẵn sàng để thưởng thức.

Quả mít sau khi được gọt vỏ, loại bỏ hạt, sẽ được thái mỏng và ngâm trong nước gạo để giữ màu trắng

Nhút mít có thể biến tấu thành nhiều món ăn ngon như nhút xào, canh chua cá lóc, nộm nhút, và đặc biệt là nhút mít nấu canh với lạc giã, tạo nên hương vị vừa bùi vừa chua rất đặc biệt.

Chị Giang, hiện đang cư trú tại Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: "Ngày xưa, nhút được chế biến theo cách rất giản dị. Người ta thường vắt ráo nước rồi chấm với nước mắm tỏi hoặc nước tương, ăn kèm rau kinh giới. Nhút cũng có thể được xào với dầu mỡ, thêm chút đường để giảm bớt độ mặn vì nhút thường được muối khá mặn để bảo quản lâu hơn. Trong những năm tháng sinh viên, mỗi lần về quê tôi lại mang vài hộp nhút lên cho các bạn ở ký túc xá cùng thưởng thức. Bây giờ, nhút đã trở nên phổ biến ở Hà Nội, trở thành món đặc sản được người dân thành phố ưa chuộng mỗi khi đến mùa."

Nhút mít có thể biến tấu thành nhiều món ăn ngon

Trong những năm gần đây, nhút mít đã xuất hiện nhiều hơn ở Hà Nội. Nhiều nơi rao bán đặc sản địa phương hoặc trên các chợ mạng, nhút mít được bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg. Thậm chí, nhút mít còn được chế biến sẵn thành các món như xào hoặc nộm, giúp người mua có thể thưởng thức ngay lập tức mà không cần phải chế biến thêm, rất tiện lợi.

Anh An, một người bán nhút mít ở chợ chung cư Xa La, Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: "Nhút mít nếu được bảo quản trong tủ lạnh có thể giữ được tươi ngon trong vài tháng mà không lo bị hỏng. Bác tôi, người trực tiếp làm nhút mít ở Thanh Chương, mỗi mùa đều gửi cho tôi cả trăm hộp. Chỉ trong vài ngày, số nhút này đã được bán hết sạch."

Tác giả: Trần Thu Thủy