Báo Người đưa tin đăng tải, ngày 18/9, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên họp phúc thẩm về việc yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa nguyên đơn bà Trương Thị Mỹ Ngọc (SN 1930, ngụ quận 11) và bị đơn bà Tào Yến (SN 1956, ngụ quận 8).
Theo phán quyết của cấp tòa sơ thẩm trước đó, bà Ngọc và ông Tôn Thất Kham chung sống với nhau từ năm 1953, có giấy giá thú cấp ngày 4/10/1955, tại phường Đệ Nhất, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Trong quá trình chung sống, bà Ngọc và ông Kham có với nhau 10 người con chung. Ngoài bà Ngọc, ông Kham còn có một người vợ nữa là bà Phạm Thị Ngọc Thành. Bà Thành và ông Kham có với nhau 7 người con chung. Đến năm 1997, bà Thành qua đời.
Năm 1987, bà Yến đến làm thuê cho ông Kham và nảy sinh quan hệ tình cảm nhưng bà Ngọc không hay biết. Năm 2013, khi ông Kham qua đời, bà Ngọc phát hiện giữa ông Kham và bà Yến đã lập giấy chứng nhận kết hôn ngày 6/3/2000 tại UBND phường 7, quận 6, TP.HCM.
Khi ông Kham qua đời, bà Ngọc và các con nảy sinh tranh chấp với bà Yến về một số tài ông Kham để lại. Bà Ngọc cho rằng, việc kết hôn giữa ông Kham và bà Yến là trái luật, bởi thời điểm ông Kham đăng ký kết hôn với bà Yến thì ông đã có vợ con.
Ông Kham và bà Ngọc chung sống với nhau cho đến khi ông Kham qua đời và vẫn chưa ly hôn. Từ đó, bà Ngọc đệ đơn lên TAND TP.HCM để đòi… chồng.
Trong quá trình bổ sung hồ sơ, chứng cứ, bà Ngọc xin cấp trích lục giấy giá thú nhưng sở Tư pháp TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản trả lời do sổ hộ tịch từ trước năm 1975 về trước tỉnh không còn lưu giữ nên không cấp được cho bà Ngọc.
TAND TP.HCM sau đó đã mở phiên họp, quyết định chấp nhận yêu cầu của bà Ngọc, hủy giấy chứng nhận kết hôn giữa bà Yến và ông Kham.
Sau quyết định của tòa sơ thẩm, bà Yến kháng cáo, yêu cầu hủy quyết định sơ thẩm, công nhận giấy chứng nhận kết hôn giữa bà Yến và ông Kham.
Theo thông tin trên báo Dân trí, tại phiên tòa ngày 18/9, bà Yến trình bày từ năm 1987, bà và ông Kham chung sống với nhau như vợ chồng. Bà chỉ biết ông Kham chỉ có một người vợ tên Thành và đã ly thân chứ không biết bà Ngọc. Tới khi ông Kham mất thì mới biết bà Ngọc. Giấy chứng nhận kết hôn của bà và ông Kham được chính quyền địa phương cấp và giữa hai người có 2 người con chung. Vì vậy, bà đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà.
Bà Minh Hiền (con gái bà Ngọc) trình bày: bố cô có 2 người vợ và 17 người con chung sống hạnh phúc với nhau, không biết mối quan hệ giữa bố cô và bà Yến. Việc bà Yến kết hôn với bố cô là vi phạm pháp luật nên yêu cầu HĐXX giữ nguyên quyết định sơ thẩm.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, bà Ngọc và ông Kham sống chung từ năm 1953, trong quá trình chung sống ông Kham lại có thêm vợ bé là bà Thành. Trước năm 1975, đất nước đang bị chia cắt nên cần xác định lại có giấy giá thú giữa bà Ngọc và ông Kham hay không. Lúc ông Kham qua đời không có để lại di chúc thừa kế nên giữa 19 người con đang xảy ra tranh chấp thừa kế. Vì vậy, HĐXX quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra, làm rõ thêm một số vấn đề.
Tác giả: Minh Khánh
-
Luật sư khuyên cha mẹ những việc cần làm ngay khi nghi ngờ con bị x.âm h.ại tình dục
-
Tuyệt chiêu bất ngờ của mẹ chồng khiến nàng dâu có bị đuổi cũng không đi
-
Chú rể 94 tuổi kể về đêm động phòng với cô dâu 99 tuổi
-
Tự tay làm mâm cơm chiều chỉ 47 000 cho 6 người ăn thoải mái, bổ dưỡng lại rất rẻ tiền
-
Ngắm vẻ đáng yêu của chị Hằng nhí đang làm “khuynh đảo” cộng đồng mạng