Thường xuyên đi công tác các tỉnh, anh Đỗ Phú, 32 tuổi, Hà Nội, chia sẻ, hầu hết lễ tân của nhà nghỉ yêu cầu anh để lại thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh thư cho đến khi trả phòng.
"Công việc của tôi cần nhiều đến giấy tờ tùy thân. Nhà nghỉ làm vậy rất bất tiện cho tôi", anh Phú nói. Ngoài ra, anh cũng lo ngại, thông tin cá nhân của mình sẽ bị lợi dụng vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Trao đổi điều này nhiều lần với các cơ sở lưu trú trên, anh Phú đề nghị họ chỉ viết thông tin cá nhân hoặc photocopy nhưng không được chấp nhận. "Tôi viện dẫn pháp luật để nói họ không có quyền làm vậy thì họ bảo quy định ở đây như vậy, không thích thì đi chỗ khác", anh Phú kể.
Thực tế, việc giữ lại giấy tờ tùy thân của khách không chỉ diễn ra tại các cơ sở lưu trú nhỏ như nhà nghỉ, homestay mà cả ở khách sạn, resort cao cấp.
Chị Đinh Thúy Hà, 48 tuổi, trú thành phố Huế cho biết, gia đình chị gồm 4 người đi du lịch và đặt 2 phòng tại một resort 5 sao. Phòng có giá trên 3 triệu đồng mỗi đêm. Khi làm thủ tục checkin tại quầy, nhân viên khách sạn yêu cầu mỗi phòng để lại một thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh thư đến khi trả phòng.
Về vấn đề khách sạn, nhà nghỉ có được giữ căn cước công dân của khách hay không, Luật sư Nguyễn Hoàng Anh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời trên Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Theo Luật Căn cước công dân 2014, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác.
Theo quy định hiện hành (Điều 44 Nghị định 96/2016) thì khi khách đến nghỉ ngơi, nhà nghỉ, khách sạn (gọi tắt là cơ sở lưu trú) có trách nhiệm như sau: Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú như CMND hoặc CCCD…; Ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy tính) trước khi cho khách vào phòng nghỉ.
Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách nghĩa là yêu cầu khách xuất trình giấy tờ tùy thân (CCCD chẳng hạn). Từ đó, cơ sở lưu trú ghi đầy đủ thông tin của khách vào sổ lưu trú của nhà nghỉ để khi cần có thể đối chiếu, kiểm tra. Cơ sở lưu trú không được giữ CCCD của khách.
Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch đều không có quy định liên quan đến CCCD. Bộ VH-TT &DL cũng không ban hành hay phê duyệt quy chế quản lý hay nội quy cụ thể của từng khách sạn, không can thiệp vào thỏa thuận dân sự giữa khách và cơ sở lưu trú du lịch. Do đó, mọi hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch, khách du lịch, khách nghỉ tại cơ sở lưu trú du lịch cần tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Câu hỏi thứ hai của bạn là ai/đơn vị nào được tạm giữ CCCD của công dân? Điều 28 Luật CCCD 2014 đã quy định rõ cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền tạm giữ thẻ CCCD.
Thẻ CCCD bị tạm giữ trong các trường hợp sau đây: Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Trong thời gian bị tạm giữ thẻ CCCD, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ CCCD cho phép sử dụng thẻ CCCD của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
Công dân được trả lại thẻ CCCD khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Vào viện cấp cứu không mang thẻ BHYT được thanh toán chi phí khám chữa bệnh như thế nào?
-
Đối tượng khám chữa bệnh trái tuyến vẫn được BHYT chi trả 100% trong năm 2023
-
Thu hồi số điện thoại chưa chuẩn hóa từ ngày 15/5/2023: SIM có làm lại được không?
-
Bắt đầu từ 1/7//2023: Lương công nhân viên chức sẽ thay đổi như thế nào, ai được tăng nhiều nhất?
-
Chỉ duy nhất đối tượng này bị tạm giữ CCCD gắn chip: Ai cũng nên biết kẻo thiệt thòi