Vào viện cấp cứu không mang thẻ BHYT được thanh toán như thế nào?
Thông thường, khi đi khám chữa bệnh, để được hưởng đầy đủ quyền lợi của BHYT, người bệnh sẽ phải đến đúng tuyến khám chữa bệnh theo cơ sở y tế mà mình đã đăng ký (trừ trường hợp thông tuyến) và mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh.
Tuy nhiên, để đảm bảo chữa trị kịp thời trong tình huống khẩn cấp, khoản 2 Điều 28 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014 đã quy định: "Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này trước khi ra viện".
Như vậy, trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám chữa bệnh tại bất cứ cơ sở y tế nào (cả công lập và tư nhân) và sẽ xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ cá nhân có ảnh trước khi xuất viện.
Lưu ý, việc xác định tình trạng cấp cứu khi nhập viện của bệnh nhân sẽ thuộc thầm quyền của bác sĩ điều trị và cơ sở y tế nơi tiếp nhận người bệnh.
Hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở đó và tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khác thì được xác định là khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến. Trong trường hợp này, người bệnh được thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo đúng mức hưởng ghi trên thẻ BHYT.
Trường hợp người tham gia BHYT đi cấp cứu tại cơ sở khám chữa bệnh không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thì cơ sở đó phải có trách nhiệm cung cấp các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh khi ra viện để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH theo quy định.
Nếu người tham gia BHYT đi cấp cứu tại nơi có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT nhưng đến khi ra viện, người bệnh đó vẫn không xuất trình được thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh thì Quỹ BHYT chỉ thanh toán trực tiếp một phần chi phí theo quy định.
Cụ thể như sau:
- Với ngoại trú, Quỹ BHYT thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của bệnh nhân nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám chữa bệnh (hiện là 233.500 đồng).
- Với nội trú, tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện (hiện là 745.000 đồng).
Không bắt buộc phải mang thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh
Hiện nay, người bệnh không bắt buộc phải mang theo thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.
Theo Công văn 1493/BHXH-CSYT năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có quy định về việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, từ 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Người sử dụng chỉ cần đăng nhập vào VssID, chọn mục "Thẻ BHYT".
Ngoài ra, về cơ bản, hiện nay người dân ở các địa phương đều có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT để khám chữa bệnh BHYT. Tính đến đầu tháng 5/2023, toàn quốc cơ hơn 12.400 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip.
Theo Công văn 921/BHYT-BH của Bộ Y tế, người dân có tài khoản mức 2 của ứng dụng VNeID cũng có thể sử dụng thay thế thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh. Người dân chỉ cần đăng nhập vào VNeID và chọn mục "Thẻ BHYT".