Các loại tài sản không phải chia khi ly hôn
Khi thực hiện thủ tục ly hôn, nếu vợ chồng không thể thỏa thuận về việc chia tài sản, Tòa án sẽ thực hiện điều này. Thông thường, nhiều người cho rằng tài sản phải chia cho cả vợ và chồng. Tuy nhiên, theo quy định, có những loại tài sản không cần phải chia.
Việc phân chia tài sản khi ly hôn chỉ được áp dụng đối với tài sản chung của vợ chồng khi có yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai (theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Trong đó, không áp dụng phân chia tài sản khi làm thủ tục ly hôn với 9 loại tài sản sau:
* Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, 06 loại tài sản riêng của vợ chồng gồm
- Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định của pháp luật;
- Tài sản phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng;
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng.
Vợ và chồng có thể chọn áp dụng chế độ tài sản tài sản thỏa thuận hoặc tài sản theo luật định. Theo đó, những tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được vợ chồng thỏa thuận là tài sản riêng thì sẽ được coi là tài sản riêng của vợ hoặc chồng theo như thỏa thuận của hai bên.
* Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, 03 loại tài sản riêng khác gồm:
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Lưu ý, những tài sản riêng của vợ/chồng nếu được vợ, chồng quyết định nhập vào tài sản chung thì chúng vẫn được phân chia khi làm thủ tục ly hôn (theo khoản 4 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014).
Thế nào được coi là tài sản chung của vợ chồng?
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm các loại sau:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân;
- Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân;
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, gồm:
+ Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP;
+ Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định pháp luật đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Ngoài ra, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn cũng được xem là tài sản chung của vợ chồng. Lưu ý, không bao gồm trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Bên cạnh đó, trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng thì tài sản đó sẽ được coi là tài sản chung.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Mất bao lâu để nồng độ cồn trong hơi thở về 0 khi uống 2 chén rượu mạnh?
-
Từ tháng 5/2025 người dân bắt buộc đổi sang căn cước không được dùng Căn cước công dân, phải không?
-
Từ tháng 5/2025 mua bán xe máy không sang tên chính chủ đi ra đường sẽ bị CSGT tịch thu xe đúng không?
-
Tính từ 15/1/2025: Có 32 trường hợp bị thu hồi nhà đất, người dân biết kẻo mất tiền oan
-
Nhiều người thắc mắc hỏi: Nhận thưởng Tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?