Không phải dao thớt, dùng cật tre để mổ lươn theo cách này vừa sạch nhớt lại khử sạch mùi tanh

( PHUNUTODAY ) - Lươn mang đến nguồn dinh dưỡng quý giá cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu không xử lý đúng cách lươn cũng rất dễ bị nhớt và có mùi tanh. Hãy bỏ túi ngay mẹo vặt sau đây khi chế biến:

Mẹo vặt chọn lươn: Lươn ngon là lươn to, dài vừa phải, lưng đen, bụng vàng ánh. Loại này là lươn đồng, thịt thơm, ngon không phải lươn nuôi, thịt bở, tanh. Đây là những con lươn từ ao hồ, kênh rạch bắt lên chứ không phải lươn nuôi, nên sẽ có thịt săn chắc và thơm ngon. Bạn đừng nên ham những con to nhé, thịt sẽ bở, không ngon.

Sơ chế lươn: Nếu bạn có thời gian thì sau khi mua lươn về, cho vào xô nước vo gạo khoảng một buổi để sạch ruột lươn. Nếu không có thời gian, bạn có thể làm lươn ngay.

Dùng cật tre để mổ lươn

Theo kinh nghiệm của dân gian, nếu dùng dao để mổ bụng lươn thì sẽ có mùi tanh. Do đó, thay vì sử dụng dao bạn nên sử dụng một thanh cật tre có một cạnh sắc để làm thịt lươn. Sau khi đã bỏ hết nội tạng thì bạn hãy rửa lại lươn bằng nước muối ấm cho sạch hết nhớt. Chú ý không rửa bằng nước lạnh, lươn sẽ rất tanh.

Dùng nước nóng để làm sạch lươn

Sử dụng nước nóng cũng là một trong những cách làm sạch lươn không tanh nhanh chóng. Bạn hãy cho lươn vào nước nóng để lươn tự quẫy đạp loại bỏ hết nhớt trên mình lươn. Khi lươn đã hết nhớt, mổ bụng, bỏ hết nội tạng, rửa lại bằng nước muối cho sạch.

Bóp lươn với muối

Bạn cho lươn vào túi nilon, thêm chút muối, buộc kín rồi lắc mạnh, bóp và chà muối lên thân lươn khoảng 2 phút. Làm vậy để lươn ra hết nhớt. Sau đó, rửa sạch lươn một lần nữa bằng nước ấm thường rồi lau khô.

Sử dụng chanh hoặc nước vo gạo

Để làm sạch lươn không tanh bạn cũng có thể tuốt lươn với nước cốt chanh hoặc nước vo gạo, lươn sẽ sạch hết nhớt mà sau khi chế biến lươn vẫn giữ được mùi đặc trưng. Bạn hãy tuốt lươn tới khi nào thấy không còn nhớt là được.

Chú ý gì khi nấu lươn?

Bạn có thể chế biến nhiều món lươn khác nhau. Nhưng dù chế biến theo cách nào bạn cũng phải đảm bảo nấu chín thịt lươn.

Bởi vì lươn thường chui rúc dưới ao bùn, sình lầy, nước đục... Sống trong môi trường bẩn như thế, lại thêm thói ăn tạp nên hệ tiêu hóa và cả thịt lươn có thể nhiễm vi trùng và ký sinh trùng.

Trong thịt lươn có một loại ấu trùng ký sinh rất dai và chịu được nhiệt độ cao. Vì vậy, nếu chỉ xào qua trên lửa, những ấu trùng này sẽ còn sống và theo đường ăn uống đi vào ruột.

Tác giả: Mộc