Không vay tiền vẫn bị đe dọa đòi nợ: Cách xử lý thông minh nhất

( PHUNUTODAY ) - Không vay tiền vẫn bị khủng bố, bị làm phiền suốt ngày đêm với hàng loạt các cuộc gọi và tin nhắn vô tội vạ phải làm sao?

 Hiện nay, có rất nhiều trường hợp, mặc dù không tham gia bất kỳ một cuộc giao dịch vay mượn nào, nhưng bỗng nhiên xuất hiện một khoản nợ đứng tên mình hoặc do mình bảo lãnh vay nợ. Và kết quả là tình trạng đòi nợ bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin, làm phiền xả ra. Khi bị từ chối, tần suất làm phiền nhiều hơn với lời lẽ dung tục, xúc phạm, đe dọa, thậm chí đưa tin kèm hình ảnh lên mạng xã hội để vô khống. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên và hướng giải quyết ra sao?

1. Nguyên nhân khiến bạn rơi vào tình trạng bị đòi nợ mặc dù bạn không vay tiền của họ

Có nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là bị kẻ xấu đánh cắp thông tin cá nhân từ facebook, zalo hoặc giả thông tin cá nhân để trục lợi bằng cách tạo tài khoản ngân hàng giả, làm giấy tờ giả... Cũng có thể rò rỉ thông tin khi bạn đã từng vay tiền qua app, vay tín dụng, mua hàng trả góp...

Vậy tại sao lại xảy ra việc thông tin các nhân bị lấy cắp?

Thứ nhất, một số cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức việc đảm bảo an toàn thông tin của nhân viên. Do đó các đối tượng tội phạm mạng dễ dàng xâm nhập trộm cắp thông tin cá nhân với số lượng lớn.

Thứ hai, hiện nay xảy ra tình trạng rao bán trên mạng các thông tin cá nhân nhằm trục lợi.

Thứ ba, rất nhiều người dân thiếu cảnh giác hoặc chưa biết cách bảo vệ thông tin cá nhân của mình, không nắm vững quy định ngân hàng, tổ chức về bảo mật thông tin.

2. Hướng giải quyết

Thứ nhất: Thu thập bằng chứng

Trước khi tìm cách xử lý việc bị khủng bố trả nợ, người bị đòi nợ cần lưu lại tất cả các bằng chứng bị đòi nợ một cách bất hợp pháp như:

- Chụp lại các tin nhắn đòi nợ

- Số điện thoại hay gọi điện( thường họ sử dụng nhiều số khác nhau)

– Ghi âm hoặc quay phim lại các cuộc gọi đòi nợ.

– Chụp màn hình, giao diện các trang mạng của người đưa tin đối với trang đưa tin.

– Sau đó, bạn cần đăng tải chính màn hình, giao diện nêu trên lên trang cá nhân của mình, phòng trường hợp người đưa tin xóa bài viết...

Thứ hai: Sau khi đã lưu bằng chứng, bạn thực hiện chặn các cuộc gọi, tin nhắn từ các số điện thoại không lưu trong danh bạ hoặc số điện thoại lạ, làm phiền.

Trên trang facebook cá nhân, bạn chuyển các bài viết qua chế độ “bạn bè” - tức là chỉ những người trong danh sách bạn bè mới xem được, không để tính năng người lạ bình luận hoặc gắn thẻ bạn trên mạng xã hội.

Thứ ba: Trong trường hợp biết khoản nợ đang bị đòi là của một công ty cho vay cụ thể nào đó, ngay lập tức bạn liên hệ trực tiếp với văn phòng đại diện của công ty để khiếu nại. Để họ giải quyết việc này, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các minh chứng chứng tỏ bạn không liên quan gì đến khoản nợ “trên trời rơi xuống” này, đồng thời đưa ra các bằng chứng chứng minh việc bạn đã bị khủng bố để đòi nợ đã được thu thập ở trên.

Thứ tư: Nhờ công an vào cuộc

Bạn hãy đến trình báo và tố cáo hành vi trái pháp luật của công ty hoặc cá nhân đã đòi nợ bạn với cơ quan Công an nơi bạn cư trú. Hoặc cũng có thể viết đơn tố cáo gửi đến cơ quan Công an kèm theo các bằng chứng đã thu thập. Cơ quan Công an sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của đối tượng vi phạm để can thiệp, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Thứ năm:

Nếu chủ đòi nợ là một Công ty, bạn tìm địa chỉ trụ sở của họ, sau đó làm đơn gửi đến Sở Thông tin truyền thông nơi mà Công ty đóng trụ sở để tố cáo và đề nghị xử lý hành vi đòi nợ bất hợp pháp. Theo đó, Sở thông tin và truyền thông sẽ giúp bạn xử lý vấn đề này.

Thứ sáu: Cuối cùng, bạn hãy gửi đơn tố cáo đến cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước nơi cư trú, kiến nghị họ giải quyết hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín dụng của Công ty, cá nhân đòi nợ và có lời lẽ, hành vi xúc phạm nhân phẩm của bạn.

Trên đây là những gợi ý giúp bạn chủ động, tự tin, xử lý nhanh nếu chẳng may bị gọi điện, nhắn tin, đăng mạng để đòi nợ mà khoản nợ đó không phải của mình. Với các cách làm ở trên, hi vọng bạn sẽ không còn gặp phiền toái bởi các tổ chức, cá nhân cho vay, thậm chí mời chào vay tiền.

Tác giả: Vũ Thêm