Trong giai đoạn 6 tháng đầu, nhiều ông bố bà mẹ sẽ muốn phát điên vì trẻ thường xuyên quấy khóc, ngày ngủ đêm thức… Hãy bỏ túi mẹo dưới đây để giúp bé yêu ngủ ngon giấc và bố mẹ cũng "nhàn" hơn.
Cách massage cho bé
Bước 1: Massage chân
Đầu tiên, bạn cho vào lòng bàn tay khoảng 2-3 giọt dầu, xoa đều hai tay và massage chân cho bé, sau đó lấy ngón cái của bạn xoay vòng tròn trong lòng bàn chân và vuốt nhẹ từ gót chân lên ngón chân.
Trong quá trình massage không nên kéo ngón chân ra như khi massage cho người lớn mà hãy xoa nhẹ trên đầu ngón chân, việc này sẽ khiến những dây thần kinh kích thích phát triển.
Cuối cùng nâng một chân của bé và vuốt nhẹ từ mắt cá chân lên tới đùi, thực hiện tương tự với chân còn lại, sau đó cầm lấy đùi của bé bằng hai tay xoay nhẹ giống như bạn vắt khăn.
Bước 2: Massage tay
Tương tự với kiểu massage chân, với tay bạn nên mở bàn tay bé và vẽ những vòng tròn trên lòng bàn tay sau đó di chuyển dần đến những đầu ngón tay kết hợp vuốt nhẹ bàn tay bé.
Tiếp đến nên xoa bóp cổ tay theo chuyển động tròn khá giống việc bạn đeo vòng tay, vuốt cả cánh tay của bé từ trên vai đi xuống, cuối cùng tiến hành massage toàn bộ cánh tay của bé theo chuyển động tròn nhẹ nhàng như đang vắt khăn.
Bước 3: Massage ngực và vai
Bạn tiến hành vuốt nhẹ nhàng vai trái và vai phải lên phía trước ngực của bé và thực hiện ngược lại, sau đó đặt cả hai tay bạn lên vị trí giữa ngực bé và vuốt tiếp về hai phía.
Bước 4: Massage bụng
Tiếp đến là massage bụng cho bé, do vùng bụng của bé rất dễ bị tổn thương cho nên cần phải thao tác nhẹ nhàng, đầu tiên đặt lòng bàn tay dưới xương ngực sau đó xoay vòng trong theo chiều kim đồng hồ quanh rốn. Chú ý tránh vùng rốn, không được chạm vào.
Thực hiện lặp lại 4-5 lần.
Bước 5: Massage mặt và đầu
Đầu tiên bạn dùng một đầu ngón tay trỏ và ngón giữa đặt vào giữa trán bé, chầm chậm vuốt dọc theo đường viền mặt đến cằm, sau đó di chuyển từ cằm xuống dưới má đồng thời xoa nhẹ theo chuyển động hình tròn.
Sau khi massage mặt thì bạn tiếp tục dùng các đầu ngón tay để massage đầu cho bé, cách này khá giống với việc bạn gội đầu cho trẻ, nhớ thao tác nhẹ nhàng vì đầu bé còn rất mềm nhé.
Bước 6: Massage lưng
Nên để bé nằm sấp, hai tay để ở trước mặt, sau đó đặt đầu ngón tay của bạn lên lưng bé rồi xoa thành những vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, di chuyển từ vai xuống mông.
Tiếp theo dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt ở hai mép ngoài của cột sống và vuốt từ cổ xuống mông, lặp lại động tác này vài lần. Lưu ý không nên đặt ngón tay lên cột sống của bé.
Kết hợp xoa bóp vai bé theo những đường tròn cùng chiều kim đồng hồ, nên vuốt ve lưng và mông bé để bé được thoải mái nhiều hơn.
Ngoài ra, mẹ lưu ý:
1. Quấn tã
Từ sơ sinh đến khoảng 4 hoặc 5 tháng tuổi, trẻ sơ sinh rất hay bị giật mình nên dễ thức dậy khi bất ngờ có tiếng động xung quanh. Hãy quấn tã cho trẻ thật chặt, nhưng vẫn đảm bảo để trẻ cảm thấy thoải mái và đang trong một môi trường an toàn. Điều này giúp trẻ không bị giật mình tỉnh giấc, ngủ ngon hơn và lâu hơn.
2. Lập thời gian biểu cho trẻ
Dù khó nhưng không phải không làm được. Bạn hãy "uốn" trẻ theo lịch trình cố định mỗi ngày. Tham khảo lịch trình giấc ngủ cho trẻ trong 3-12 tuần đầu tiên: 7 giờ sáng- Thức dậy, ăn, chơi, ngủ; 8 giờ-9:30 - Thức dậy, ăn, chơi; 10:30- Ngủ ngắn; 12:00 - Thức dậy, ăn, chơi, ngủ; 2:30 chiều - Thức dậy, ăn, chơi; 3:30 chiều - Ngủ ngắn; 4:30 chiều - Thức dậy, ăn, chơi; 5:30 chiều- Ngủ ngắn; 6:00 tối - Thức dậy, ăn, chơi; 7:30 - cho trẻ ăn; 9:30 tối - đi ngủ; từ 9:30 tối đến 7 giờ sáng - ngủ và có thể thức dậy ăn đêm khi cần. Nói chung, nếu trẻ càng nạp nhiều calo vào ban ngày thì chúng sẽ cần ít hơn vào ban đêm.
3. Ngủ ít vào ban ngày
Ngủ quá nhiều vào ban ngày là lý do khiến trẻ thức vào ban đêm. Vì thế khi thấy trẻ ngủ quá 2 - 2,5 giờ, hãy đánh thức trẻ dậy, cho trẻ ăn, chơi một chút rồi lại ngủ tiếp. Nếu bạn muốn trẻ ngủ dài hơn, hãy tăng thời gian ngủ vào buổi trưa. Duy trì được cách này, đêm trẻ sẽ ngủ ngon hơn.
4. Bật nhạc nhẹ nhàng
Không gian ồn ào sẽ làm trẻ khó ngủ và ngủ không sâu giấc nhưng cũng đừng cố duy trì không gian tĩnh lặng tuyệt đối. Có thể bật nhạc nhẹ nhàng hoặc bật quạt phe phẩy gần trẻ, để trẻ cảm nhận được bố mẹ đang ở ngay gần bên mình.
5. Ăn sau khi thức dậy
Trẻ sơ sinh cần cho ăn và nghỉ ngơi thường xuyên để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh trong những tháng đầu. Vì thế cha mẹ nhớ cho trẻ ăn sau khi ngủ chứ không phải trước khi ngủ. Chu kỳ này giúp trẻ có nhiều năng lượng nhất ngay sau khi thức dậy, khiến bé có xu hướng ăn đầy đủ hơn, ngủ sâu hơn giữa các lần cho ăn.
6. Thay tã theo lịch
Khi trẻ thức dậy hãy thay tã và quấn lại để chuẩn bị cho trẻ ngủ ngay sau khi ăn đêm. Bởi nếu thay tã sau khi ăn đêm, trẻ có thể quá tỉnh táo, khó ngủ hơn.
7. Ăn nhiều hơn vào ban ngày
Giống như việc không để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày để hỗ trợ giấc ngủ ban đêm, hay duy trì quy tắc, thức ăn ban ngày nhiều hơn, thức ăn ban đêm ít hơn. Muốn vậy, phải khuyến khích nhiều giấc ngủ ngắn và cho ăn trong ngày sau chu kỳ ăn, thức, ngủ.