Lau chùi đồ gỗ đón Tết đừng dùng nước lã: Làm theo 2 bước này đồ gỗ nào cũng sạch bong, sáng bóng

( PHUNUTODAY ) - Nếu nắm chắc được nguyên tắc lau dọn dưới đây, việc lau chùi bàn ghế gỗ đón Tết sẽ đơn giản hơn rất nhiều, không vất vả như bạn thường nghĩ.

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, các gia đình bắt đầu tổng dọn dẹp vệ sinh ngôi nhà để mong đón một năm mới tốt lành, thịnh vượng. Tuy nhiên, việc vệ sinh đồ gỗ quả là một cơn “ác mộng” với các chị em vì đồ gỗ thường có nhiều chi tiết chạm trỗ, chất liệu lại khó lau sạch. Nếu nắm chắc được nguyên tắc lau dọn dưới đây, việc lau chùi bàn ghế gỗ đón Tết sẽ đơn giản hơn rất nhiều, không vất vả như bạn thường nghĩ.

1. Xác định loại đồ gỗ trước khi làm sạch

Đầu tiên, bạn cần xác định được loại đồ gỗ trước khi bắt tay vào công cuộc làm sạch. Lớp áo bên ngoài như sơn mài, sơn dầu hay đánh bóng sẽ quyết định cách làm sạch, cũng như chất tẩy rửa phù hợp. Sự phân loại cẩn thận trong khâu lau chùi này sẽ giúp kéo dài tuổi thọ đồ gỗ cũng như giúp làm sạch hiệu quả hơn.

Đồ gỗ sơn dầu

Đồ gỗ sơn dầu sẽ giữ nguyên màu gỗ nguyên thủy, nhưng lại được phủ một lớp dầu bóng, giúp đồ gỗ mới lâu. Đối với loại đồ gỗ này, bạn không nên dùng chất liệu nhám để lau chùi vì sẽ khiến lớp dầu bong tróc, loang lổ. Để xử lý các vết bẩn trên gỗ sơn dầu, các chị em nên thử dùng một ít kem đánh răng, kết hợp lau chùi bằng một miếng vải mềm. Các bạn cũng có thể thử các loại chất tẩy rửa khác dễ tìm tại gia như tro, baking soda, muối. Đặc biệt, với bề mặt trơn bóng, dầu ô liu hoặc dầu ăn cũng rất hữu hiệu để cuốn trôi các vết bẩn cứng đầu.

Đồ gỗ sơn màu

Gỗ sơn cần chất tẩy rửa và phương pháp phức tạp hơn. Bạn cần trang bị một số loại sáp chuyên dụng để lau sạch và đánh bóng gỗ sơn màu, tránh tình trạng bay màu và trầy xước. Với đồ gỗ sơn, bạn chỉ nên làm sạch bằng máy hút bụi, nếu kỹ hơn có thể dùng miếng bọt biển lau chùi nhẹ nhàng. Một thời gian sau khi sử dụng, nếu lớp sơn màu quá cũ, bạn nên nạo lớp cũ và sơn lớp mới hoàn toàn để có một vẻ ngoài hoàn hảo.

Gỗ đánh bóng

Nội thất đánh bóng được làm từ loại gỗ đã gia công bề mặt kỹ, tạo nên hiệu ứng bóng nhẵn. Thông thường, để giữ cho bề mặt trơn nhẵn lâu, người ta thường phun một lớp vecni, sơn mài. Đây là loại nột thất dễ lau chùi nhất vì bề mặt đã nhẵn bóng, trơn láng. Bạn chỉ cần trang bị chất tẩy rửa bất kỳ là cũng có thể làm sạch được bề mặt gỗ. Một lưu ý nhỏ khi lau chùi đồ gỗ đánh bóng chính là chũng rất dễ lưu lại dấu vân tay. Trong trường hợp này, bạn nên mang một chiếc găng tay cotton để gảm thiểu nhược điểm này.

2. Mẹo giữ đồ gỗ luôn như mới sau khi lau chùi

Sau khi lau chùi xong, bạn nên đặt nội thất gỗ ở nơi thông thoáng để chúng có thể khô hẳn. Tuy nhiên, tránh phơi đồ gỗ trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời vì rất dễ làm cong, giòn gỗ, giảm tuổi thọ của chúng.

Tránh kê đồ gỗ sát tường vì rất dễ ẩm mốc. Bạn nên kê đồ gỗ cách tường khoảng 1cm vừa tránh ảnh hưởng đến diện tích, lại có thể ngăn ngừa ẩm mốc.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo diệt khuẩn ẩm mốc trên đồ gỗ bằng các chất hút ẩm tự nhiên. Bạn có thể rải bã cà phê, than hoạt tính, lá trà, lót báo,… vào các hộc tủ gỗ, hộc bàn gỗ để tránh ẩm mốc một cách tự nhiên mà không cần dùng nhiều hóa chất gây hư hại gỗ.

Mùa đông đồ gỗ thường bốc mùi ẩm mốc khó chịu. Để giải quyết vẫn đề mùi này, bạn chỉ cần đặt một ít cánh hoa oải hương hoặc vỏ chanh, quýt vào đồ gỗ là có thể thơm tho đón Tết.

Tác giả: Vũ Thêm