Loại quả từng bị lãng quên: Giờ trở thành đặc sản ‘gây sốt’, có tiền cũng khó mua được

( PHUNUTODAY ) - Trước đây mọc hoang và ít được chú ý, nhưng gần đây trái dứa rừng đã trở nên hot, được người dân thành phố săn lùng mua.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, cũng như ở Quảng Ngãi và Kiên Giang, có một loại dứa mọc hoang dại dọc theo bờ suối hoặc trong những khu rừng thứ sinh, được gọi là dứa rừng.

Cây dứa rừng có khả năng sinh tồn mạnh mẽ dưới mọi điều kiện thời tiết. Do đó, loài cây này xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở châu Á như: Lào, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka…

Quả dứa rừng, còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như dứa dại, dứa biển, dứa gỗ, quả chứa, dứa gai, dứa sai, dứa núi,... Mặc dù hình dáng bên ngoài giống hệt quả dứa thông thường, phần ruột bên trong lại hoàn toàn khác biệt. Ruột của dứa rừng được chia thành các múi, có thể có màu đỏ hoặc trắng.

Cây dứa rừng có khả năng sinh tồn mạnh mẽ dưới mọi điều kiện thời tiết

Theo nghiên cứu, cây dứa rừng có chiều cao từ 1-2 mét. Lá của cây dài và mang những chiếc gai sắc nhọn tương tự như gai trên mắt dứa. Quả dứa rừng ban đầu có màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ. Người dân ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) cho biết rằng quả dứa rừng có sẵn quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều nhất là từ tháng 10 cho đến Tết âm lịch.

Chị Ngọc (ở Trà Bồng) chia sẻ rằng các múi dứa rừng kết nối chặt chẽ với nhau mà không có khe nứt. Khi còn non, quả có màu xanh đậm, và khi chín, chuyển sang màu vàng nhạt, tỏa mùi thơm tương tự loại dứa thông thường mà người dân trồng để ăn. Khác với dứa thông thường có thịt liền khối, thịt của dứa rừng được chia thành những múi to cỡ ngón tay út. Trọng lượng của dứa rừng thường dao động từ 0,8 đến 2 kg mỗi trái, lớn hơn so với trái dứa thông thường.

Chị Ngọc cho biết, loại quả dại này rất mọng nước, có vị thơm và ngọt, không chua gắt như các loại dứa khác. Từ xưa, người dân vùng núi cao đã coi dứa rừng như một loại quả giải khát và có lợi cho sức khỏe. Trước đây, người đi rừng thường hái dứa để ăn khi khát nước, và đám trẻ con vùng núi cũng rất yêu thích loại quả dại này, coi như một món quà vặt. Đối với những người chưa quen, lần đầu ăn sẽ cảm thấy ngứa đầu lưỡi.

Loại quả dại này rất mọng nước, có vị thơm và ngọt, không chua gắt như các loại dứa khác

Trong vài năm trở lại đây, quả dứa rừng đã trở thành mặt hàng được nhiều người săn lùng. Mùa dứa đến, người dân vùng cao lại vào rừng hái dứa để bán cho thương lái. Giá bán dứa tươi dao động khoảng 30.000 đồng/kg. Ngoài việc bán dứa tươi, người ta còn sử dụng quả dứa dại để phơi khô, ngâm rượu làm thuốc nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao. Dứa rừng tươi, đặc biệt là khi chín, thường được nấu nước uống thay cho trà, mang lại hương vị ngọt ngào và thơm ngon.

Mỗi khi đến mùa, trên các chợ online xuất hiện nhiều nơi rao bán cả dứa rừng tươi và dứa rừng phơi khô. Theo y học cổ truyền, quả dứa rừng có vị ngọt, tính mát, mang lại nhiều lợi ích như ích huyết, tiêu đàm, mát gan và giải độc. Nước dứa rừng còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị cảm nắng, say nắng và giúp thần kinh thư giãn.

Mỗi khi đến mùa, trên các chợ online xuất hiện nhiều nơi rao bán cả dứa rừng tươi và dứa rừng phơi khô

Bà Toàn, cư trú tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, chia sẻ rằng quả dứa rừng thường được sử dụng dưới dạng khô để ngâm rượu. Sau khi hái về, dứa được làm sạch kỹ lưỡng để loại bỏ bụi phấn trắng trên vỏ, sau đó tách từng mắt nhỏ ra và đem phơi khô, sao vàng. Sản phẩm sau đó có thể được dùng để ngâm rượu hoặc nấu nước uống.

Theo chia sẻ từ những người giàu kinh nghiệm trong việc hái dứa rừng, quả dứa rừng được thu hoạch tốt nhất khi đã già, có mắt nứt, vỏ cứng và màu sậm. Nếu hái khi quả còn non và xanh, dược tính sẽ thấp. Ngược lại, nếu để quả chín quá, việc phơi khô sẽ gặp khó khăn do lượng axit chua dễ lên men và lượng nước cao trong múi dứa gây ẩm, nhanh chóng bị mốc.

Tác giả: Trần Thu Thủy