Điều 13 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về làn đường khi tham gia giao thông như sau:
– Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn;
– Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái;
– Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Khi xe đi theo đường cong, người điều khiển xe cua theo đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) thì vẫn được xem là đang đi trên một đoạn đường thẳng, theo một hướng, không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông thì không bắt buộc bật đèn tín hiệu.
Vậy, nếu đang lưu hành trên cung đường cong thì người điều khiển phương tiện không cần phải bật xi nhan.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, cần phải chú ý để đi đúng luật, cụ thể như: Khi đi vào vòng xuyến thì bật xi nhan trái, khi ra khỏi thì bật xi nhan phải; đi qua ngã 3 chữ Y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì bật đèn tín hiệu như bình thường, nếu không có biển báo mà đi thẳng theo nhánh bên phải thì không cần xi nhan.
Điều 15 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy đinh về chuyển hướng xe:
– Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
– Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
– Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
– Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
Về mức phạt đối với hành vi đi sai làn đường được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 46/2016:
– Phạt tiền từ 60.000-80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.
– Phạt tiền từ 80.000-100.000 đồng đối với người điều khiển xe chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước.
– Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ.
Về một số mức phạt về hành vi vi phạm bật đèn xi nhan khi tham gia giao thông theo Nghị định 46/2016:
+ Đối với người điều khiển ô tô, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
– Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu đèn báo trước.
– Phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ.
– Phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy xe trên đường cao tốc.
Đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy (kể cả xe máy điện):
–Phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước.
– Phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng đối với một trong các hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).
Tác giả: Tran Thi Lan Huong