Chủ sử dụng bóc lột người lao động có thể bị phạt hành chính 25 triệu đồng

16:00, Thứ tư 02/05/2018

( PHUNUTODAY ) - Dự thảo đã đề xuất nhiều quy định mới về xử phạt, trong đó có quy định xử phạt vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội trong thời gian gần đây có một số quy định trong Nghị định trên không còn phù hợp với Luật nội dung, nhiều hành vi vi phạm mới, thẩm quyền xử phạt mới chưa được quy định để xử phạt.

Bên cạnh đó, quá trình tổng kết tình hình thi hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đã cho thấy, 2 Nghị định trên gặp phải một số bất cập, khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội như: mức xử phạt thấp, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả chưa đảm bảo tính răn đe; tổ chức thi hành quyết định xử phạt gặp khó khăn (đối tượng vi phạm chây ì không thực hiện quyết định xử phạt, hay một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt chưa mang lại hiệu quả cao), khó khăn trong việc xác định tổ chức vi phạm hành chính.

Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong đó, đáng lưu ý là dự thảo đã đề xuất nhiều quy định mới về xử phạt, trong đó có quy định xử phạt vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ.

Cụ thể, Điều 12 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) có một trong các hành vi sau đây: Không xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm về đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ đang làm việc cho mình; Không báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hằng năm về lao động.

img7936-1517373779360464242536-15209068829441928867864

Dự thảo đề xuất phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối vớingười sử dụng lao động có

Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, vào hoạt động trái pháp luật.

Đồng thời, phạt tiền NSDLĐ có một trong các hành vi: Không đào tạo nghề cho NLĐ trước khi chuyển NLĐ sang làm nghề, công việc khác; không ký kết hợp đồng đào tạo nghề đối với người học nghề, tập nghề; không trả lương cho người học nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; không tiến hành ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề, theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 NLĐ.

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ.

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ.

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ.

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.

Ngoài ra, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.

b) Tuyển người dưới 14 tuổi vào học nghề, tập nghề, trừ những nghề, công việc được pháp luật cho phép.

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với NSDLĐ là: Buộc trả lương cho người học nghề, người tập nghề khi không trả lương cho người học nghề trong thời gian học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; buộc, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật đối với hành vi vi phạm.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Tran Thi Lan Huong