Luộc tôm không dùng 1 giọt nước, thịt giòn thơm, đỏ au, ngon ngọt xuất sắc

( PHUNUTODAY ) - Khi không dùng nước, tôm sẽ giữ lại được tối đa sự thơm ngon và vị ngọt vốn có. Bạn đừng bỏ qua cách chế biến tôm này nhé.

Chuẩn bị nguyên liệu cho món tôm luộc

400 gram tôm tươi

8-10 nhánh hành lá, 2 củ gừng

Tiêu nguyên hạt, rượu trắng

Cách làm món tôm luộc không dùng nước

2 củ gừng cạo vỏ, rửa sạch và cắt lát mỏng.

Hành lá rửa sạch, bỏ gốc, cắt khúc dài 3-4 đốt ngón tay.

Tôm rửa sạch, có thể bỏ đầu và rút chỉ lưng hoặc để nguyên con tôm tùy sở thích. Rửa kỹ tôm bằng rượu trắng và nước để loại bỏ hết chất bẩn và mùi tanh.

Xếp hành lá và gừng xuống đáy nồi sau đó đặt tôm lên trên. Rắc thêm 1-2 thìa cà phê hạt tiêu nguyên hạt và khoảng 30ml rượu trắng.

Đậy vung và bật bếp với lửa vừa. Luộc tôm trong khoảng 5 phút.

Khi tôm ngả hồng và chín hoàn toàn, bạn hãy mở vung và giảm lửa. Nấu thêm 2-3 phút nữa cho rượu bay hơi hết. Sau đó có thể xếp tôm ra đĩa và thưởng thức.

Cách chọn tôm ngon

Để có đĩa tôm luộc ngon, bạn cần phải chọn được những con tôm tươi ngon nhất. Dưới đây là một số bí kíp để chọn tôm ngon.

Tôm tươi sẽ có phần thân hơi cong, thịt căng chắc. Tôm có thể không to và phần thịt không dày lên khác thường.

Khi chọn tôm, bạn nên lựa những con có phần vỏ linh hoạt. Có thể dùng tay bóp nhẹ thân tôm. Nếu thấy vỏ tôm đàn hồi và không tiết ra nước thì đó là dấu hiệu của tôm tươi.

Ngoài ra, khi mua tôm, hãy quan sát phần đầu và phần chân. Nếu hai phần này gắn chặt vào thân tôm thì đó là tôm tươi. Nếu đầu và chân lỏng lẻo, dễ rụng thì không nên mua vì tôm như vậy đã để lâu, không còn tươi ngon.

Vỏ tôm tươi sẽ bóng, trơn, sống giữa thân tôm sáng trong.

Một số lưu ý khi ăn tôm

Tôm là loại hải sản giàu protein, khoáng chất và vitamin tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, nó lượng axit béo omega-3 và chất chống oxy hóa astraxanthin dồi dào tốt cho tim và não bộ.

Tôm còn chứa nhiều selen, vitamin B12, sắt, canxi phốt pho, niacin, kẽm, magie, i-ốt...

Khi ăn tôm, bạn không nên ăn phần vỏ. Nhiều người cho rằng, vỏ tôm giàu canxi nhưng sự thật không phải vậy. Vỏ tôm rất ít hoặc gần như không có canxi. Vỏ tôm cứng là do chứa chitin - một dạng polymer cấu thành lớp vỏ cho hầu hết các loài động vật giáp xác. Thịt mới là phần chứa nhiều canxi nhất của con tôm. Vì vậy, nếu muốn hấp thụ canxi từ tôm thì nên ăn phần thịt, không nhất thiết phải sử dụng phần vỏ. Phần vỏ tôm có thể được tận dụng để nấu nước dùng, tăng vị ngọt và mùi thơm cho các món ăn chứ không nên ăn nhiều vì vỏ tôm khó tiêu hóa, đặc biệt, trẻ nhỏ ăn vỏ tôm rất dễ bị hóc. 

Phần đầu cũng nên được bỏ đi vì đó là nơi chứa chất thải của con tôm và có thể tích tụ nhiều ký sinh trùng, chất độc hại, thậm chsi cả kim loại nặng.

Đường chỉ màu trắng hoặc đen ở lưng tôm (thường được gọi là chỉ tôm) là đường tiêu hóa, chứa dạ dày và đại tràng. Đường chỉ này thường chỉ thấy ở những con tôm to. Mặc dù sau khi nấu chín, các vi khuẩn trong hệ tiêu hóa tôm cũng sẽ bị tiêu diệt và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, đường chỉ tôm có thể làm mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến hương vị của món ăn. Vì vậy, bạn nên loại bỏ chúng khi sơ chế để yên tâm sử dụng.

Tác giả: Thanh Huyền