Mâm cúng ông Công ông Táo nên đặt ở bếp hay bàn thờ gia tiên mới chuẩn?

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều người quan tâm rằng mâm cúng Táo Quân nên để ở bếp hay bàn thờ gia tiên.

Ý nghĩa Tết ông Công, ông Táo

Người ta quan niệm một năm mở đầu bằng Tết Nguyên đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp.

Vì vậy, để được Táo Quân phù trợ, vào ngày này, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất long trọng.

Đến đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy, hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.

Người xưa cũng cho rằng, sau khi nghe Táo Quân bẩm báo, Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể khen thưởng hoặc quở phạt gia chủ.

Vì thế, vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi Táo quân lên thiên đình, người ta thực hiện nghi lễ cúng ông Táo để các ông “nói tốt“ cho nhà mình, giúp năm tiếp theo được ban cho tài lộc, bình an.

Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, sự hiện diện của các vị Táo Quân trong mỗi căn nhà còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong gia đình.

Vậy khi làm mâm cúng Táo Quân, nên để ở bàn thờ gia tiên hay dưới bếp?

Theo chuyên gia phong thủy, điều này không hợp lý và chỉ nên đặt mâm cỗ trên ban thờ của gia đình.

Vì theo tâm linh, ban thờ chính là nơi kết nối giữa hai thế giới âm dương, người trần và thần linh. Vì vậy, đây chính là nơi dâng đồ, cúng bái hợp lý nhất.

Mâm cúng ông Công ông Táo gồm những gì?

Lễ vật cúng ông Công ông Táo gồm:

- Mũ ông Công ông Táo (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các Táo ông có hai cánh chuồn, mũ Táo bà không có cánh chuồn. Những mũ này có gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

- Hia ông Táo, một ít vàng mã tượng trưng

- Lễ vật khác: 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa cúc

- Cá chép để ông Táo cưỡi về trời.

Những đồ vàng mã như mũ, áo, hia... sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo công.

Về mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, có thể làm cỗ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hoặc cỗ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…). Mâm cỗ cúng ông Táo trong truyền thống gồm các món cơ bản như:

- 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối

- 1 con gà trống luộc chéo cánh ngậm hoa tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay bằng thịt heo luộc hoặc vịt quay)

- 1 bát canh mọc hoặc canh măng

- 1 đĩa xào thập cẩm

- 1 đĩa giò, chả rán hoặc thịt đông

- 1 đĩa xôi

- 1 đĩa chè kho.

Bạn không nhất thiết phải làm đầy đủ các món trên mà có thể thêm bớt, thay đổi tùy điều kiện thực tế.

Văn khấn ông Công ông Táo

Dưới đây là bài cúng ông Công ông Táo theo sách "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ chúng con là... ngụ tại...

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

 Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Bài cúng do GS Lương Ngọc Huỳnh giới thiệu

Kính lạy Thượng đế

Kính lạy Ngũ đế, Đông phương Thanh đế, Nam phương Xích đế, Tây phương Bạch đế, Bắc phương Hắc đế, Trung ương Hoàng đế.

Kính lạy Thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng, Trung đàm thần tướng thiên thiên binh, Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã.

Kính lạy Sơn thần, Long thần, Thổ địa, Thổ công, Táo quân, Thổ kỳ lai sàng chứng giám.

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp là ngày thần Táo quân về trời tấu sớ. Tín chủ con tên là... sinh ngày... tháng... năm... nguyên quán... địa chỉ thường trú...

Với tấm lòng thành kính, con xin có chút lễ vật, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng đế, Ngũ đế, các vị Thần tướng, Thiên tướng, Thiên binh, Thiên mã cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ công Táo quân về trời.

Kính lạy Thổ thần Thổ địa, Thổ công Táo quân, Thổ kỳ lai sàng chứng giám. Trong năm qua, nhờ ân phúc của các ngài, chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, mọi điều may mắn. Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính tiễn ngài về trời tấu xin Thượng đế, Ngũ đế cùng chư vị thần tiên phù hộ độ trì cho đất nước con, quê hương con, gia tộc và gia đình con được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng.

Con cầu xin Thượng đế, Ngũ đế các vị thần tiên cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của con. Kính chúc Thượng đế, Ngũ đế, các vị thần tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế!

Tác giả: Thạch Thảo