Đã lên chức mẹ được vài tháng, nhưng đến nay, bà mẹ trẻ Nhung Bùi (sinh năm 1989, ở Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn còn nhớ như in cảm giác vật lộn với những cơn đau đẻ kinh khủng khi sinh. Trải nghiệm sinh nở với những cơn đau đẻ khủng khiếp như kéo dài cả năm trời của bà mẹ trẻ đã giúp các mẹ có cái nhìn chân thực và xúc động về hành trình vượt cạn của người mẹ.
Không gì khó chịu bằng đau đẻ
Theo chị Nhung, cảm thấy đau đẻ thật khó để tả cho chính xác: "Giống như đau bụng kinh 'mix' với đau bụng đi ngoài". Cái đau thúc vào bụng chị như ngàn mũi kim liên tục dội xuống và càng kinh khủng hơn với người lần đầu đi đẻ như chị Nhung.
Đi khám, bác sĩ dặn khi nào có dấu hiệu như: ra 1 ít máu, đau bụng, cơn đau kiểu co dồn dập thì đến bệnh viện. Từ lúc bác sĩ dặn xong, cứ động đau bụng là cuống cuồng đồ đạc ra viện, mà lần nào cũng hụt vì toàn là đau bụng đi ngoài. Ngày dự sinh cận kề, đi khám thì nhận được thông tin là em bé sẽ ra trước khoảng 1 - 2 tuần so với dự kiến. 2 vợ chồng chị Nhung bắt đầu nín thở chờ ngày đẻ.
"Càng gần ngày sinh thì càng sốt ruột, lắm lúc nghĩ “Mày có thương mẹ thì mày rơi luôn ra mẹ đỡ phải rặn”. Đợt đấy cứ sáng dậy là có dấu hiệu ra 1 chút máu, đau nhẹ nhưng âm ỉ khó chịu. Hỏi bạn bè thì đứa bảo đau lắm, đứa bảo đau tí, đứa còn bảo đau nhói ra đẻ bụp cái xong, con xinh xắn khỏe mạnh.
Một tối tối 2 vợ chồng đi bộ, đang vui vẻ cười nói thì cảm giác khó chịu đấy ập về. Cứ đi 1 tí là đau, 1 tí là đau. Khoảng nửa tiếng đau 1 lần. Cảm thấy không ổn nên bảo chồng đi bộ về nhanh ngồi nghỉ. Về đến nhà thì thôi xong, cơn đau nhức không chịu nổi, dồn dập hơn. Kiểu như vừa bị táo bón vừa đến tháng ấy, trên cả sự sợ hãi, nó là kinh hoàng. Cả đêm hôm đấy đứng lên ngồi xuống không ngủ được. Cứ 2 phút lại đau, mỗi cơn kéo dài khác nhau. Có cơn vài giây, xong cứ dần lên 10s, 40s, 50s. Tần suất đau tăng dần, cảm giác như kiểu có một trăm cái mũi tên từ trong bụng chọc ra, thốn không tả nổi".
"Cơn đau dài nhất, kinh khủng nhất cuộc đời mình"
Nhớ như in lời bác sĩ dặn: “Nếu 10 phút đau 1 lần mà đau dài thì phải vào viện luôn và ngay!!”. Thế là đêm hôm cả nhà tức tốc đưa bà mẹ trẻ vào viện. Chị thì hoảng vừa đau vừa kêu như hết hơi: “Đẻ rồi, đẻ rồi!”. Đi vào bác sĩ kiểm tra thì bảo: “Nay sinh được rồi, nhưng mới mở 1 phân, phải mở 8 - 10 phân mới đẻ được”. Thế là cả nhà thở phào, nghĩ may nó chưa rơi ra lúc đi đường. Nhưng mọi sự không yên ổn thế.
Sau khi khám, bác sĩ khuyên đi bộ cho mở ra chứ cứ thế kia phải đẻ mổ. Thế là chị Nhung cứ đi bộ trong bệnh viện hết cả buổi sáng. Cơn đau thì còn nguyên từ đêm, cảm giác rất khó chịu. Còn phải đi bộ nữa nên kinh khủng, lắm lúc tưởng ngất luôn được. Sau bài thể dục buổi sáng dài 4 tiếng đồng hồ, bác sĩ thông báo là mở ra đc 1 -2 phân. Nghe cảm thấy kiệt sức thực sự luôn.
"Sau đấy bác sĩ lấy bóng cho ngồi lên, làm đủ trò để mở thêm. Một mình một phòng với chồng nên ngồi lên quả bóng như một con dở hơi. Nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu. Đây có lẽ là cơn đau kinh khủng nhất cuộc đời mình và hơn thế còn kéo dài nhất mình từng bị.
Buổi trưa hôm đấy, vừa đói vừa mệt nên lại đi ăn bát cháo kèm bánh và sữa. Suốt từ lúc 5h - 14h, bác sĩ mới bảo gây tê màng cứng để đỡ thấy đau. Lúc đó cảm thấy như vớ được cọc, cố quay ra gật đầu 1 cái khi mặt đầm đìa mồ hôi. Bác sĩ dặn là không được ăn uống trước khi gây tê, đặc biệt là sữa. Hỏi vì sao lại như vậy, bác sĩ mới nói 1 câu làm mình điếng người: “Để đề phòng phải mổ thì mổ được. Đến lúc gây mê mà trong người có sữa thì nguy hiểm cho gây mê”.
Chị Nhung kể lại, khám xong, bác sĩ luồn 1 cái ống nhỏ vào phần lưng gần xương cụt, cảm giác hơi nhức chứ cũng không đau. Thuốc gây tê sẽ đưa vào liên tục nhưng dần sẽ hết tác dụng. Nếu lúc nào đau quá thì ấn nút cạnh đây nó sẽ phả thêm thuốc vào, sẽ thấy lạnh sống lưng và không đau khi thuốc còn. Bác sĩ còn dặn là bấm ít thôi không sau này bị nhờn thuốc. Đến lúc nếu phải mổ thì bác sĩ sẽ tiêm thẳng thuốc mê vào ống đấy truyên vào người mình luôn.
Đi đẻ dịch vụ có một cái rất ổn là không cần cầm theo gì, cứ đi người không, dịch vụ đã bao trọn mọi thứ rồi. Từ lúc chờ sinh tới lúc nằm đó luôn phải mặc quần áo váy bệnh viện, lâu lâu lại có người tới thay rất sạch sẽ. Trước khi gây tê ngoài màng cứng thì bác sĩ vào tiến hành thụt phân. Trong phòng chờ đẻ, chồng mình vào cùng, đúng kiểu như trong phim ngồi cạnh vợ để chứng kiến thành quả của cả hai.
Bác sĩ bảo giờ sẽ chỉ đau 1 phần thôi không đau nhiều nữa. Công nhận là cơn co đến không đau. Lúc gây tê xong thường mọi người mở rất nhanh, còn mình mở mãi mới được 3 phân.
Rồi lại kiểm tra, nhìn xuống thấy máu me be bét, chồng nhìn mà vừa xót vừa sợ luôn. Chồng quay ra bảo bác sĩ nhẹ tay, vì ở nhà nâng như nâng trứng, ở đây thọc vô như thế, liệu có sao không. Bác sĩ bảo chuyện bình thường, không phải lo. Mãi đến tối thì thấy đau lại, thuốc tê gần hết, cắm thêm 1 ống gây tê, sau đó tiêm một mũi làm mềm tử cung đẻ cho dễ. Nhưng tiêm rồi mà vẫn không mở thêm, cứ giậm chân tại chỗ 3 phân. Bác sĩ cứ bảo mổ nhưng mình cứ xin đẻ thường, rồi tiêm thêm mũi làm mềm tử cung thứ 2 vì tử cung cứng quá, hình như đây là hậu quả của ngồi nhiều.
Sau ngàn cơn đau, thiên thần nhỏ cũng chào đời
Cuối buổi tối, thấy tê hết người, đột nhiên cảm thấy đau dữ dội, đau run hết người, gây tê cũng vẫn thấy đau. Nằm vật vã một lúc thì bác sĩ vào bảo bao giờ thấy cơn đau đến kiểu muốn đi ngoài, nghĩa là sắp đẻ. Nghe xong thì mừng như mở cờ, bảo bác sĩ: “Em thấy buồn thật này!!”. Chưa bao giờ thấy buồn đi đại tiện mà lại sướng như thế…
Bác sĩ cũng như bắt được vàng, hô lên: “Chuẩn bị đẻ được rồi, tốt rồi. Đuổi ngay mấy đứa em ra ngoài gọi chồng vào”. Lúc ấy mở được 5 phân. Thực hiện mổ ngay tại đó, giường nằm biến thành giường đẻ luôn. Chân tê cứ run bần bật không biết gì nữa.
Bác sĩ hướng dẫn lấy hơi dài rồi rặn ra như rặn ị, mình vừa cuống vừa mệt, cũng chẳng có kinh nghiệm gì nên lấy hơi toàn thở ra bằng mồm… Có mấy lần bác sĩ hô khi thấy đầu em bé lấp ló nhưng chỉ cảm thấy kiệt sức tới độ muốn bỏ cuộc vì rặn đau lắm mà không ra nổi… Còn bảo hay chuyển sang đẻ mổ có được không?
Thời gian trôi qua dài như cả năm trời…. Bác sĩ luôn miệng hô giỏi lắm giỏi lắm mỗi khi mình rặn ra, có lời bác sĩ nói cũng cảm thấy đỡ khó chịu đi nhiều. Mình thấy 1 người ngồi dưới theo dõi, một người quấn khăn vào bụng ép cho em bé ra. Nhưng có vẻ ép không ăn thua lắm. Bác sĩ lại động viên cố lên, không để lâu được sẽ rất nguy hiểm.
Đáng sợ nhất là khi mở ra được 6 – 7 phân, bác sĩ cầm cái kéo y tế cắt xoẹt 1 phát ở dưới, dài vài phân để có thể đẻ được. Khoảnh khắc ấy mình bỗng lo sợ nhiều thứ lắm. Lấy hết sức bình sinh, chống chân chống tay rướn người lên và rặn liền mấy hơi thật dài… Tuột 1 cái em bé ra khi cả bác sĩ, y tá cùng hộ sinh đồng thanh hô lên một tiếng khiến mình cảm thấy tuyệt diệu: “RA RỒI!!!!!!”. Cảm giác lúc đấy như hoàn thành một thử thách khó nhất cuộc đời, leo một ngọn núi cao, hay vừa thoát chết khỏi một nơi hiểm nguy. Mình mềm người, nằm bẹp ra đấy khi tay chân không còn cảm giác.
Bố bỏ tay mẹ ra, đi về phía đứa nhỏ mắt vẫn đang nhắm nghiền. Nhận lấy cái kéo từ bác sĩ, bố được thực hiện cộng việc quan trọng không kém: cắt rốn cho bé.
Hộ lý tới bế bé xong kiểm tra xem mọi thứ có ổn không, có sứt sẹo gì không, cho vào nôi để lau khoảng 5 phút cho lên bàn cân, được 2,9 kg. Mía ra đời như thế!
Chồng kể lúc đó trông mình bơ phờ, nằm im cho bác sĩ khâu lại khu vực, mất 10 -15 phút khâu liền tại rạch nhiều quá. Chồng nhìn cũng hoảng, lân la ra rỉ tai bác sĩ bảo khâu cho đẹp đẹp tí về nhìn đỡ xót. Bác sĩ còn cười 1 cái, khâu xong gọi chồng vào, thì thấy bảo là khâu đẹp hết ý, giờ chỉ đợi tự tiêu thôi (phải khâu tận 6 mũi).
Đọc những lời tâm sự của chị Nhung, các chị em chúc mừng bà mẹ trẻ đã "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Nhưng bên cạnh đó, không ít chị em cảm thấy "rợn người" vì đi đẻ sao mà đáng sợ thế. Có mẹ chỉ đọc thôi mà "thấy cả cảm giác đau đớn ấy ùa về".
Mẹ Cà Tun chia sẻ: "Mình đi đẻ cũng đau nhưng lại không đau giống như bạn này. Mình đau đến nỗi tay chân mất kiểm soát run bần bật, ngồi không được mà đứng lại chẳng xong. Đau tưởng tượng sắp chết được đến nơi".
Mẹ Khoang lại "tag" chồng mình vào để đọc cho hiểu cảm giác: "Mới vừa hoàn thành nhiệm vụ ngày hôm kia thôi. Ôii cái cảm giác đau không nói được, không diễn tả được thành lời. May mắn mình đau nhanh đẻ nhanh ... Ôi không đau gì bằng đau đẻ. Anh *** biết chưa, chẳng qua em chịu đựng giỏi thôi. Giờ xong nhiệm vụ nhé".
Tác giả: Huệ Anh
-
Mang thai tháng thứ mấy thì tiêm phòng
-
Quá 70% trường hợp dị tật thai nhi ở Việt Nam là do mẹ bầu làm việc này khi mang bầu
-
Muốn thai nhi khỏe mạnh mẹ tuyệt đối không làm việc này vào 3 tháng cuối thai kỳ
-
Những sai lầm này của mẹ bầu sẽ khiến bé yêu dị tật ngay trong bào thai
-
Mang thai đến tháng thứ mấy thì bị chuột rút