Mẹo hầm xương nhanh mềm, nước ngọt trong, không bị hôi

( PHUNUTODAY ) - Hầm xương thường mất khá nhiều thời gian. Để có nồi xương hầm thơm ngon, không bị đục mà không tốn nhiều thời gian, bạn có thể thử cách cách dưới đây.

Hầm xương cùng đu đủ xanh

Hầm xương cùng đu đủ là một cách đơn giản giúp xương nhanh mềm, phần nước cũng ngọt hơn. Đu đủ xanh có chứa một loại enzyme thuộc nhóm protease là papain. Loại enzyme này có thể tác dụng cắt mạch, phân dải các chuỗi protein thành những peptide ngắn hơn. Nó cũng làm các phân tử collgen bị phân hủy nhanh hơn. Do đó, hầm xương, hầm thịt cùng đu đủ xanh thì xương và thịt sẽ nhanh mềm hơn. 

Đu đủ xanh còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa cho sức khỏe... Đu đủ sẽ mang lại vị ngọt thanh tự nhiên cho nồi canh xương.

Hầm xương cùng quả dứa

Dứa cũng có chứa một loại enzyme thuộc nhóm protease là bromelain. Loại enzyme này cũng có khả năng phân hủy protein rất mạnh. Vì vậy, người ta thường dùng dứa để ướp cùng thịt giúp thịt mềm hơn khi nấu. Dứa có thể sử dụng vào rất nhiều món ăn như sườn xào dứa, thịt bò xào dứa, cá kho dứa...

Dứa còn cung cấp nguồn vitamin dồi dào, bổ sung các khoáng chất tốt cho cơ thể.

Do enzyme bromelain trong dứa khá mạnh vì vậy ăn dứa trực tiếp có thể gây ra tình trạng rát lưỡi. Lưu ý, khi ướp thịt, xương với dứa, bạn chỉ nên ướp trong khoảng 10-15 phút là được. Nếu ướp quá lâu, thịt có thể bị nát vụn khi nấu.

Hầm xương bằng nước dừa tươi

Nước dừa tươi có vị ngon ngọt, thơm béo tự nhiên. Ngoài việc sử dụng làm đồ uống giải khát, bù nước, bù điện giải tự nhiên cho cơ thể, nước dừa còn được sử dụng trong rất nhiều món ăn.

Bạn có thể sử dụng nước dừa để hầm xương vừa tạo ra vị ngọt tự nhiên cho phần nước dùng.

Nước dừa còn chứa nhiều muối natri, kali, magie tốt cho sức khỏe.

Hầm xương cùng lá mít

Lá mít có chứa protease tương thự như đu đủ xanh. Do đó, nấu xương với lá mít, phần xương sẽ nhanh mềm hơn. Một số món có thể nấu cùng lá mít là đuôi bò hầm lá mít, thịt kho với lá mít, xương hầm lá mít.

Sử dung lá mít để hầm xương còn giúp nước dùng trong, không xuất hiện nhiều bọt và giúp thịt không bị thâm đen.

Hầm xương cùng giấm ăn

Giấm ăn là loại gia vị quen thuộc trong nhà bếp của các gia đình. Khi hầm xương, bạn có thể cho một vài thìa giấm nhỏ. Giấm có thành phần axit, có tác dụng nhất định trong việc làm mềm xương và giúp nước dùng có hương vị cân bằng.

Hầm xương bằng nồi áp suất

Sử dụng nồi áp suất là cách đơn giản nhất để xương nhanh nhừ.

Trước khi cho xương vào nòi áp suất, bạn có thể rửa sạch xương và luộc sơ để các chất bẩn bám bề ngoài mặt miếng xương. Sau đó, cho xương vào nồi áp suất và đổ ngập nước (lượng nước tùy theo số lượng xương và nhu cầu muốn dùng nhiều nước dùng hay không). Đậy nắp nồi và để nồi áp suất làm việc.

Sử dụng nồi áp suất sẽ giúp rút ngắn thời gian nấu nướng và vẫn mang lại hương vị thơm ngon. Lưu ý, khi sử dụng nồi áp suất, bạn cần chờ cho hơi nóng trong nồi được xả ra ngoài hết rồi mới mở vung, không nên cố gắng mở vung trong lúc nấu để tránh bị bỏng.

Tác giả: Thanh Huyền