Mối tình bi thảm giữa nàng công chúa dám yêu, dám hận và vị cao tăng kiệt xuất thời Đường

( PHUNUTODAY ) - Cao Dương công chúa, là con gái thứ 17 của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Dù dung nhan tuyệt sắc, nhưng nàng lại vướng vào mối tình ngang trái với hòa thượng Biện Cơ, rồi nhận lấy kết cục bi thảm.

Cao Dương công chúa “vùng vẫy” trong cuộc hôn nhân xếp đặt

Cao Dương công chúa, là con gái thứ 17 của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Sinh thời, Cao Dương nổi tiếng xinh đẹp, thông minh nên được vua Đường vô cùng yêu quý. Đến tuổi cập kê, Cao Dương được vua cha gả cho con trai thứ hai của Tể tướng đương triều Phòng Huyền Linh, tức công tử Phòng Di Ái, một kẻ hữu dũng vô mưu.

Nhiều sử gia nhận định, cuộc hôn nhân của Cao Dương và Di Ái là vì mục đích chính trị. Tuy nhiên, nhiều luồng ý kiến khác lại cho rằng, Lý Thế Dân gả Cao Dương cho gia đình họ Phòng vốn là một sự sủng ái với nàng. Vì Phòng Huyền Linh không chỉ là một đại công thần đang giữ trọng trách quốc gia, mà còn là người nổi tiếng về tài học và nhân cách.

15 tuổi, Cao Dương bước vào cuộc hôn nhân không có tình yêu. Vốn dĩ, “lang quân lý tưởng” của Cao Dương là bậc trượng phu nho nhã, hiểu lễ nghi, nên nàng lại càng chán ghét người chồng thô lỗ, bất tài. Trong trái tim công chúa luôn nung nấu một ý định, vượt qua mọi rào cản để tìm được tình yêu đích thực của đời mình.

Cuộc gặp gỡ định mệnh với cao tăng Biện Cơ

Biện Cơ vốn là một hòa thượng tu tập tại chùa Hội Xương, không chỉ sở hữu ngoại hình tuấn tú, mà còn chăm chỉ, một lòng tu đạo. Tháng giêng năm Trinh Quán thứ 19, sau khi đại sư huyền thoại Đường Tam Tạng sang Tây Thiên thỉnh kinh trở về, Biện Cơ đã được cao tăng chọn vào đội ngũ biên dịch kinh Phật nhờ tư chất thông minh và lĩnh ngộ hơn người.

Theo sách “Tân Đường Thư”: Một hôm, Công chúa Cao Dương ra ngoại thành Trường An săn bắn thì tình cờ gặp Biện Cơ tại ở một ngôi chùa nhỏ ở ven rừng. Mặc dù Biện Cơ mặc áo nâu rộng thùng thình, nhưng vẻ mặt anh tuấn, cộng thêm Phật học hơn người, đã khiến Cao Dương rung động. Vốn bản tính không sợ trời, không sợ đất,  Cao Dương chẳng thèm giấu giếm ánh mắt tình tứ và say đắm dành cho Biện Cơ.

Biện Cơ xưa nay vốn chuyên tâm tụng kinh gõ mõ, nhưng khi bắt gặp dung nhan xinh đẹp của Cao Dương, biết bao kinh Phật trong phút chốc đã bị đốt rụi. Với Biện Cơ, Cao Dương là một vị Bồ Tát tái thế. Từ ánh nhìn đầu tiền, một mối tình ngang trái nằm ngoài tất cả khuôn khổ đã bắt đầu.

Tình duyên vỡ lở - Biện Cơ bị xử chém ngang lưng

Bên nhau một thời gian, Biện Cơ ngày càng cảm thấy lo lắng nhiều hơn là vui vẻ. Đúng lúc ấy, Đường Huyền Trang từ Tây Thiên trở về như một sự giải thoát cho chàng. Mặc dù còn rất trẻ nhưng nhờ tài học xuất chúng, Biện Cơ đã được Tam Tạng lựa chọn tham gia việc biên dịch kinh Phật từ tiếng Phạn ra tiếng Hán.

Trước khi chia tay, Cao Dương nước mắt lưng tròng, đưa cho Biện Cơ chiếc gối ngọc dát vàng của mình và nói: “Trong thời gian xa cách, chàng hãy coi chiếc gối này chính là ta. Mỗi buổi tối đi ngủ có thể ôm nó vào lòng, như vậy, ta cũng bớt nhớ chàng”.

Thế nhưng, vào năm Trinh Quán thứ 23, tức năm 649, quan phủ Trường An bắt được một tên trộm và phát hiện ra chiếc gối dát vàng của công chúa. Hắn khai, mình lấy trộm chiếc gối tại phòng riêng của hòa thượng Biện Cơ. Mối tình vụng trộm của họ vì đó mà bại lộ. Lý Thế Dân vô cùng tức giận, hạ lệnh lôi Biện Cơ ra chém ngang lưng.

Kết thúc bi thảm của công chúa Cao Dương

Năm 649, sau khi Lý Thế Dân qua đời, Lý Trị lên ngôi vua. Bốn năm sau, Cao Dương cùng chồng lập mưu làm phản để trả mối hận cũ. Vậy nhưng, âm mưu soán ngôi ấy bị Trưởng Tôn Vô Kỵ điều tra và phát giác. Đường Cao Tông hạ lệnh chém đầu Phòng Di Ái. Còn Cao Dương được ban ân huệ chết toàn thây. Năm ấy, chúa chỉ chỉ vừa 27 tuổi.

Tác giả: Xuân Quỳnh

Tin mới nhất