Mùa Vu Lan và ý nghĩa của đèn hoa đăng

( PHUNUTODAY ) - Vào mỗi dịp lễ xá tội vong nhân, rằm tháng 7 hàng năm các hoạt động về văn hóa, tâm linh lại diễn ra trên khắp cả nước. Trong đó nổi bật nhất là lễ thả đèn hoa đăng.

Lễ Vu Lan cũng là dịp gợi nhắc lại một trong những đạo lý, nhân cách lớn nhất của mỗi con người là Đạo Hiếu. Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị Chân – Thiện – Mỹ và về với đạo của người làm con. Lễ thả hoa đăng mang ý nghĩa cầu siêu cho người đã khuất, đây là một nghi thức truyền thống có nguồn cội từ Phật giáo. Hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên đỏ rực, lấp lánh dưới mặt nước mang theo ước nguyện, cầu bình an, an lành và lòng thành kính của người dân gửi đến những người đã khuất.

Đèn hoa đăng là một nghi lễ không thể thiếu mùa V Lan 

Theo nguyên nghĩa, Hoa đăng có nghĩa là đèn hoa. Lễ hội thả Hoa đăng là lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa. Hoa đăng được thắp sáng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam vào những ngày lễ lớn. Đặc biệt là lễ hội đầu năm mới, lễ Thượng Nguyên, đốt đèn mừng lễ hội, cầu nguyện quốc thái dân an, cầu âm siêu dương thái. Hoa đăng được thả trên sông vừa ấm cúng, thẩm mỹ, giàu truyền thống vừa mang lại giá trị tâm linh mở đầu cho một năm mới tốt đẹp.

Có thể thấy rõ hơn ý nghĩa ấy về Hoa đăng trong Phật giáo. Một trong những danh hiệu của đức Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang. Nghĩa là, hào quang của Ngài chiếu phắp mọi nơi, soi rọi đường cho chúng sanh bước ra khỏi sinh tử. Ánh sáng còn tượng trưng cho trí huệ.

Ngài dùng trí huệ để giáo hóa chúng sanh, từ trong đêm tối nhờ vào ánh sáng trí huệ mà thoát khỏi vô minh tăm tối. Đây là điều có thể lý giải được. Trong thế giới ngày nay, vấn đề ánh sáng rất cần thiết cho mọi sinh hoạt của con người, cũng như vậy ánh sáng của trí huệ đưa con người ra khỏi u mê. Ngoài ra, trong Phật giáo còn có Phật Dược Sư cũng được gọi là Lưu Ly Quang Như Lai cũng cùng chung một ý nghĩa này. Trong kinh Dược Sư còn dạy cách đốt đèn cúng dường và cầu nguyện. Đèn có thể làm nhỏ như quả cam hoặc to như bánh xe, có thể xếp thành 7 tầng, thắp suốt 49 ngày đêm thành tâm cầu nguyện thì mọi việc được an lành.

Nghi lễ thả đèn hoa đăng hằng năm trong mùa Vu Lan  

Trong ý nghĩa đó, việc thả đèn hoa đăng trên sông cũng nhằm mục đích chúc mừng, cầu nguyện Quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp mà xả bỏ oan khiên thù hận bước theo con đường giải thoát khổ đau

Ngày đầu xuân năm mới khai mở lễ hội thả đèn Hoa đăng là một lễ hội thuần túy của người Việt Nam vốn có từ xưa, vừa cầu nguyện cho đất nước vinh quang, mưa thuận gió hòa, nhà nhà được no ấm, người người được bình an. Đây là một việc làm hữu ích của Ban tổ chức và những người tham gia.

Đối với Phật giáo, vào những ngày lễ lớn hoặc tổ chức những khóa lễ tu tập hay cầu nguyện đều có tổ chức lễ hội phóng sanh đăng. Có thể tổ chức đốt đèn trong chùa tháp, tổ đường, hoặc thả đèn trên sông và thả các loại thủy sinh. Đây là một nghĩa cử đầy nhân bản, nhân văn về việc bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho lễ hội càng thêm nhiều ý nghĩa, tâm niệm tốt đẹp và truyền cho nhau. Cầu chúc nhau một tâm niệm yêu thương nhân bản.

Đèn hoa đăng có ý nghĩa rất lớn trong Phật Giáo 

Mỗi ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người. Mỗi ngọn đèn trên tay là ánh sáng xóa hết mọi khổ đau để cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp và phồn vinh, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.

Tác giả: Nguyễn Ái