Khi tham gia bảo hiểm y tế, người dân sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí thăm khám, điều trị, phục hồi sức khỏe nếu không may xảy ra tai nạn, ốm đau. Theo quy định của luật bảo hiểm y tế, có 3 trường hợp được trả lại tiền đóng bảo hiểm y tế người dân nên biết để đảm bảo quyền lợi của bản thân.
Các trường hợp được hoàn lại tiền đóng bảo hiểm y tế
Theo quy định hiện hành, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được hoàn trả lại tiền đóng nếu thuộc một trong 03 trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Người tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng hoặc tham gia BHYT theo hộ gia đình được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới)
Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ được tính từ thời điểm thẻ BHYT được cấp theo nhóm mới bắt đầu có giá trị sử dụng.
- Trường hợp 2: Người tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng được điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT
Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ được tính từ thời điểm quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực.
- Trường hợp 3: Người tham gia bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng
Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ được tính từ thời điểm thẻ có giá trị sử dụng.
Đối tượng tham gia BHYT được nhà nước hỗ trợ mức đóng
Nhóm đối tượng tham gia BHYT được nhà nước hỗ trợ mức đóng được quy định tại điều 4 nghị định 146/2018/NĐ-CP:
“1. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định này.
3. Học sinh, sinh viên.
4. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.”
Từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng như sau:
- Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP;
- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại khoản 1 và 2 Điều 4 Nghị định này;
- Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại khoản 3 và 4 Điều 4 Nghị định này.
Mức đóng và giá bảo hiểm y tế hộ gia đình
Năm 2023 Cơ quan BHXH chính thức ban hành quyết định 490/QĐ-BHXH ngày 1/4/2023 về việc hướng dẫn sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHYT theo diện hộ gia đình. Theo đó thì các thành viên tham gia BHYT hộ gia đình không còn là các thành viên trong sổ hộ khẩu/ sổ tạm trú như trước đây (do sổ hộ khẩu đã không còn được sử dụng) thay vào đó là các thành viên trong 1 hộ gia đình.
Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng đến giá mua BHYT hộ gia đình năm 2023. Giá bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hay mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ được giảm trừ theo số lượng thành viên tham gia. Việc giảm trừ mức đóng BHYT này chỉ được thực hiện khi các thành viên (đủ điều kiện) tham gia BHYT theo hộ gia đình trong cùng một năm tài chính.
+ Quy định mức đóng BHYT theo hộ gia đình
Mức giá BHYT hộ gia đình năm 2023 được quy định theo Điểm e, Khoản 1, Điều 7 của Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Mức lương cơ sở là mức lương dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng làm việc trong cơ quan nhà nước; dùng tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1.800.000 đồng/tháng.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Năm 2023: Ai có thẻ BHYT chỉ cần đảm bảo 1 điều kiện sẽ được hưởng quyền lợi rất lớn
-
Năm 2023, có 3 trường hợp thẻ BHYT không có giá trị thanh toán: Người dân cần nắm rõ
-
3 cách khám chữa bệnh bảo hiểm không cần thẻ BHYT vẫn hưởng đủ quyền lợi
-
Từ 9/2023: Chỉ duy nhất trường hợp này bị tạm giữ thẻ BHYT và phạt nặng: Ai cũng nên biết sớm kẻo thiệt thòi
-
6 đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí do cơ quan BHXH đóng, hưởng quyền lợi cao nhất