Năm 2024, ông bà cho tặng sổ đỏ cho cháu cần những thủ tục gì?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều gia đình ông bà muốn tặng bất động sản cho cháu mà không cho con. Vậy, khi ông bà sang tên sổ đỏ cho cháu thì thủ tục cụ thể như thế nào?

Nhiều gia đình ông bà muốn tặng bất động sản cho cháu mà không cho con, điều đó hoàn toàn hợp quy định của pháp luật. Vậy, khi ông bà sang tên sổ đỏ cho cháu thì thủ tục cụ thể như thế nào?

Ông bà có thể sang tên sổ đỏ cho cháu

Theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ, sổ hồng).

Bởi vậy, ông bà có thể chuyển tên sổ đỏ sang cho cháu bằng hình thức tặng cho hoặc thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Thủ tục cho tặng sổ đỏ nhà đất cho cháu năm 2024

Ông bà có thể tặng cho nhà đất cho cháu, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013.

+ Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

+ Đất không có tranh chấp.

+ Đất không bị kê biên đảm bảo thi hành án.

+ Đất trong thời hạn sử dụng.

Trình tự thủ tục ông bà tặng cho nhà đất cho cháu, gồm các bước sau:

+ Bước 1: Công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất giữa ông bà và cháu. Lưu ý, nếu cháu chưa đủ 18 tuổi thì phải có người đại diện theo pháp luật của cháu là bố, mẹ cháu đồng ý thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý.

+ Bước 2: Sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ông bà sang cháu.

Khi ông bà thực hiện quyền tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho cháu thì phải thực hiện đăng ký biến động đối với trường hợp đã được cấp sổ đỏ (theo quy định tại Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013).

+ Bước 3: Người cháu chuẩn bị các giấy tờ, gồm: Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK; bản gốc sổ đỏ đã cấp; hợp đồng tặng cho quyền sử dụng nhà đất có công chứng hoặc chứng thực; tờ khai thuế thu nhập cá nhân; tờ khai lệ phí trước bạ; chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của ông bà và cháu; các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế và miễn lệ phí trước bạ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của ông bà và cháu…

+ Bước 4: Hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất; hoặc nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu.

+ Bước 5: Sau khi hồ sơ nộp hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra, thẩm định hồ sơ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, phí, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ làm thủ tục đăng ký sang tên trên sổ đỏ.

Thủ tục sang tên sổ đỏ từ ông bà đã mất sang cho cháu

* Trường hợp cháu được thừa kế theo di chúc:

Khi ông bà mất có để lại di chúc, người cháu sẽ được hưởng thừa kế theo di chúc nếu di chúc ông bà lập trước khi mất là hợp pháp. Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

– Bước 1: Thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế trước sang tên sổ đỏ theo di chúc

Việc khai nhận di sản thừa kế sẽ được thực hiện tại Văn phòng công chứng nơi có đất theo quy định của Luật công chứng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 và Điều 63 Luật công chứng năm 2014 thì người cháu cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

+ Phiếu yêu cầu công chứng;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp;

+ Giấy chứng tử của ông (bà);

+ Di chúc: Di chúc hợp pháp; biên bản mở di chúc có người chứng kiến và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

+ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu của người cháu;

+ Giấy khai sinh của người cháu.

Công chứng viên ra thông báo để niêm yết tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi ông bà thường trú cuối cùng. Trong thời hạn 15 ngày, cơ quan nhà nước thực hiện niêm yết công khai và sẽ xác nhận vào thông báo nếu hết thời hạn niêm yết mà không có tranh chấp, khiếu kiện gì. Sau đó, người cháu lập Văn bản khai nhận di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng.

– Bước 2: Thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ

Sau khi hoàn thành thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì người cháu cần chuẩn bị hồ sơ để nộp tới Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã để yêu cầu thực hiện việc sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình.

Hồ sơ sang tên trong trường hợp này gồm những giấy tờ sau:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Chứng minh thư nhân dân/ Căn cước công dân của người cháu;

+ Văn bản khai nhận di sản thừa kế;

+ Các giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp miễn lệ phí trước bạ như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu của ông bà và cháu…;

Trường hợp hưởng di sản thừa kế là một phần thửa đất thì người cháu đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích được hưởng thừa kế trước khi nộp hồ sơ. Người cháu sẽ nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để tiến hành thẩm định và ra thông báo nộp thuế.

Căn cứ vào thời gian ghi trên giấy hẹn trả kết quả, người cháu thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định và tới Văn phòng đăng ký đất đai để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.

* Trường hợp cháu được thừa kế theo pháp luật:

Khi ông bà mất không để lại di chúc thì tài sản sẽ được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Thừa kế theo pháp luật trong trường hợp di sản ông bà để lại mà không có di chúc sẽ được chia cho các hàng thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Trong trường hợp này, cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại thuộc người thừa kế theo hàng thừa kế thứ hai nên người cháu chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản hoặc được người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất sau khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản tặng cho quyền sử dụng đất.

Tác giả: Vũ Thêm