Năm 2024 tiền thai sản có thay đổi khi bỏ lương cơ sở không, quy định cụ thể ra sao

( PHUNUTODAY ) - Khi cải cách tiền lương tức là bỏ mức lương cơ sở thì mức hưởng các chế độ thai sản cũng sẽ thay đổi theo.

Cách tính hưởng các chế độ thai sản

Hiện, mức hưởng chế độ thai sản được tính theo mức lương cơ sở gồm tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con, tiền trợ cấp thai sản và tiền dưỡng sức sau khi sinh con.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 104/2023/QH15, từ ngày 01/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Từ ngày này, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ mà thay vào đó sẽ xây dựng các bảng lương cơ bản mới bằng số tiền cụ thể.

Trong khi đó, hiện nay, cách tính hưởng các chế độ thai sản đang được quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:

Trợ cấp một lần khi sinh con = [2 x mức lương cơ sở] / con

(hiện nay lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp 1 lần khi sinh con đến hết 30/6/2024 là 3,6 triệu đồng/tháng)

Trợ cấp thai sản khi lao động nữ sinh con = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ x 6 tháng

Nếu chưa đóng đủ 06 tháng thì được hưởng theo mức bình quân tiền lương của các tháng đã đóng.

Tiền trợ cấp trong trong trường hợp lao động nam có vợ sinh con = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ : 24 ngày x số ngày nghỉ

Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính theo tổng tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động. Do lương của cán bộ, công chức, viên chức được tính theo lương cơ sở nên mức bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của cán bộ, công chức, viên chức phụ thuộc vào mức lương cơ sở.

Bởi vậy, khi cải cách tiền lương tức là bỏ mức lương cơ sở thì mức hưởng các chế độ thai sản cũng sẽ thay đổi theo.

Bỏ lương cơ sở, tiền thai sản năm 2024 là bao nhiêu?

Do hiện nay mới chỉ có chính sách về cải cách tổng thể tiền lương mà chưa có các văn bản chi tiết hướng dẫn bảng lương mới theo số tiền cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức khi bỏ hệ số và mức lương co sở nên chưa có căn cứ để xác định mức hưởng thai sản sau ngày 01/7/2024.

Từ giờ đến hết 30/6/2024 thì chế độ thai sản 2024 vẫn được tính theo quy định hiện nay, tức là vẫn căn cứ vào mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP.

Theo Điều 63 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất mức tiền hưởng của chế độ thai sản như sau:

- Trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi là 3,6 triệu đồng cho mõi con và có thể được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng theo quy định của Chính phủ thay vì là 02 tháng lương cơ sở.

- Mức hưởng chế độ thai sản theo tháng:

Tính bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc.

Nếu người lao động chưa đóng đủ 06 tháng BHXH thì được hưởng theo mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của các tháng đã đóng.

Mức hưởng một ngày thì chia cho 24; mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận con nuôi nếu có ngày lẻ thì một ngày được tính bằng trợ cấp theo tháng chia cho 30.- Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sau khi sinh con một ngày bằng 540.000 đồng thay vì bằng 30% mức lương cơ sở…

Do hiện nay tất cả những quy định trên mới chỉ dừng ở đề xuất và trong thời gian tới có thể sẽ còn thay đổi khi chính thức có hướng dẫn về việc cải cách tiền lương.

Điều kiện được hưởng chế độ thai sản

Lao động nữ mang thai hoặc đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản thì sẽ được hưởng chế độ thai sản.

Ngoài ra, người lao động đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Lao động nữ sinh con;

Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

Lưu ý:

Trường hợp lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mới được hưởng chế độ.

Trường hợp người lao động đáp ứng hai điều kiện trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Người lao động có trách nhiệm nộp đầy đủ hồ sơ để hưởng chế độ thai sản cho doanh nghiệp chậm nhất 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, doanh nghiệp phải kiểm tra, tổng hợp và nộp hồ sơ giải quyết chế độ thai sản cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, hoặc BHXH nơi chi nhánh hoạt động đối với trường hợp người lao động làm việc tại chi nhánh.

Tác giả: Vũ Ngọc