Những khoản tiền F0 được nhận từ BHXH
Hiện nay, người lao động có đóng BHXH phải nghỉ việc để điều trị Covid-19 có thể được hưởng các khoản trợ cấp như sau:
Chế độ ốm đau
Theo Điều 25 của Luật BHXH 2014, người lao động mắc Covid-19 phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
Trong đó, thời gian hưởng chế độ ốm đau trong năm của người lao động được quy định tại Điều 26 của Luật này như sau:
- Nếu làm việc trong điều kiện bình thường người lao động được hưởng 30 ngày nghỉ chế độ ốm đau nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm.
- Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở trở lên.
Chế độ này được áp dụng với người lao động bị mắc Covid-19 hoặc nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc Covid-19.
Căn cứ khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian nghỉ ốm do Covid-19, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19
Theo Điều 29 Luật BHXH, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày (nếu không phải phẫu thuật, chữa trị dài ngày).
Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở.
Với trường hợp tái nhiễm, F0 có được nhận tiền BHXH lần 2?
Luật BHXH hiện hành chỉ quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa trong một năm mà không bị giới hạn số lần hưởng. Do đó, người lao động bị ốm, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc lao động phải nghỉ việc để chăm con dưới 7 tuổi bị ốm thì có thể hưởng chế độ ốm đau nhiều lần trong năm.
Như vậy, trường hợp tái nhiễm Covid-19, nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của luật thì người lao động vẫn sẽ được hưởng tiền BHXH theo các chế độ ốm đau.
Thủ tục để hưởng chế độ BHXH cho F0 điều trị khỏi Covid-19
Theo quy định tại Luật BHXH năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện và các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng BHXH.
Các Công văn số 1492/KCB-PHCN&GĐ ngày 19/11/2021, Công văn số 238/BYT-KCB ngày 14/01/2022 của Bộ Y tế quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.
Cụ thể, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động là F0 hoặc người lao động phải nghỉ việc chăm con dưới 7 tuổi là F0 gồm giấy tờ sau:
- Đối với người lao động là F0 điều trị nội trú: Giấy ra viện.
- Đối với người lao động là F0 điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Để hưởng chế độ ốm đau sau khi khỏi Covid-19, người lao động cần nộp cho đơn vị sử dụng lao động bản sao Giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú); Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị (đối với trường hợp điều trị ngoại trú) trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để đơn vị hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan BHXH.
Cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ cho người lao động trong tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Người lao động có thể nhận tiền qua đơn vị sử dụng lao động hoặc qua tài khoản ngân hàng.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Hà Nội bỏ quy định hàng ăn, uống phải đóng cửa trước 21 giờ
-
Thời tiết ngày 16/3 trên cả nước diễn biến như thế nào?
-
F0 nộp giấy chứng nhận hưởng BHXH, sau bao lâu mới nhận được tiền hỗ trợ?
-
Bộ Y tế đã sẵn sàng mọi điều kiện để tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi
-
F0 đi khám, chữa bệnh sẽ được BHYT thanh toán những khoản nào?